Ham lời, vỡ nợ
Ngày 8/4, rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại tầng 9 tòa nhà Vietcomreal (68 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1), giăng băng rôn tố cáo công ty này lôi kéo họ tham gia vào dự án tiền số hóa (tiền ảo) chiếm đoạt lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng.
Hai đồng tiền kỹ thuật số iFan và Pincoin đều được tạo ra ở nước ngoài. Trong đó, iFan được giới thiệu là 1 dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, thành lập dựa trên ý tưởng là dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và người hâm mộ. Người đầu tư được cam kết rằng, giá trị iFan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Tương tự, Pincoin được gắn mác là đến từ Dubai.
Tuy nhiên, theo những người tố cáo, dự án iFan và Pincoin thực chất gồm 7 người Việt Nam sáng lập, nhưng lại luôn gắn mác là dự án của nước ngoài nhằm tạo lòng tin với người đầu tư. Nhóm dự án iFan, Pincoin đã ủy quyền cho Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp. Modern Tech đã đứng ra tổ chức các sự kiện tại TPHCM, Vũng Tàu và Hà Nội, thậm chí về tận các vùng quê “dụ dỗ” người dân tham gia đầu tư tiền ảo. Họ đưa ra lời hứa hẹn rất “kêu”: Sẽ liên kết với Chính phủ để người đầu tư được mua nhà, nhập cư vào Mỹ, các nước châu Âu; Thành lập học viện tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam; Tiến đến dùng tiền ảo iFan mua vé máy bay giá rẻ, thanh toán tiền điện nước tại Việt Nam, cấp thẻ visa tiền điện tử cho mọi người giao dịch…
Bằng cách này, Modern Tech đã kêu gọi các nhà đầu tư mua tiền ảo iFan. Việc phát hành đồng tiền ảo này giúp Modern Tech huy động vốn nhanh chóng, tránh việc kiểm tra từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước. “Modern Tech cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia” – bà N. (ngụ Q.Phú Nhuận) nói.
Dù hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Modern Tech tuyên bố trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. IFan quy định giá công bố 5 USD/đồng tiền số. Tuy nhiên, giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/đồng.
Anh Tuấn (40 tuổi, ngụ Q. 4) kể, đã đầu tư gần 40 triệu đồng vào dự án iFan. Dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token (đồng tiền kỹ thuật số) tối thiểu 1.000 USD. Sau đó nhà đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất “khủng” lên đến vài chục phần trăm/tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, nhà đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau nộp, mua tiền ảo được dùng để trả cho những người trước.
Điều đáng nói là tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ đồng lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản. Bà T.T.P (58 tuổi, ngụ Q.12) cho biết, lúc đầu bà được một người phụ nữ có quen biết rủ rê cùng tham gia. Do nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt từ nhóm 7 người nói trên, nghĩ “dễ ăn” nên bà đã vay mượn đóng tất cả hơn 500 triệu đồng để tham gia. Khi biết mình bị lừa, bà rất hoảng loạn, lo sợ vì số tiền trên phần lớn là vay mượn.
Modern Tech đã ngừng hoạt động
Sáng 9/4, chúng tôi đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech trên đường Nguyễn Huệ, nhưng chẳng hề thấy “bóng dáng” cũng như bảng hiệu công ty này ở đâu. Đại diện Vietcomreal - đơn vị đang cho Modern Tech thuê trụ sở xác nhận họ đang tiến hành các thủ tục cần thiết để hủy hợp đồng cho thuê văn phòng đối với Modern Tech. Theo vị này, trên thực tế, Modern Tech không thuê trực tiếp văn phòng từ Vietcomreal, mà thuê lại từ Công ty Replus. “Công ty này ký hợp đồng thuê văn phòng với Vietcomreal, để tổ chức cho thuê lại các văn phòng ảo” - đại diện Vietcomreal nói.
Qua tìm hiểu, Modern Tech được thành lập vào cuối tháng 10/2017, ngành nghề kinh doanh: hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu, hoạt động tư vấn quản lý, đại lý, môi giới, đấu giá, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính... Thông tin cập nhật mới nhất từ cơ quan thuế cho hay, Công ty Cổ phần Modern Tech hiện đã ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Ngày thay đổi thông tin gần nhất mà cơ quan này nhận được từ Modern Tech là ngày 7/3/2018.
Liên quan vụ việc trên, lãnh đạo Công an P. Bến Nghé (Q.1) xác nhận, ngày 8/4 có khoảng 30 người giăng băng rôn tố cáo một công ty trên địa bàn quận lừa đảo số tiền lớn bằng hình thức kinh doanh tiền ảo. Cơ quan chức năng đã giải tán và đề nghị người tố cáo đến cơ quan công quyền trình báo sự việc. Đến hôm nay (9/4), đơn vị này vẫn chưa nhận được đơn tố cáo của người dân về vụ việc trên. Tuy nhiên, công an vẫn đang tìm hiểu, xác minh vụ việc để tham mưu cho cấp trên xử lý.
Người chơi tiền ảo khó được pháp luật bảo vệ
Ông Nguyên Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM (ảnh) cho biết, NHNN từ lâu đã khẳng định không công nhận tiền ảo, pháp luật cũng không bảo vệ và thừa nhận. Về mặt pháp lý, công ty này đã vi phạm Nghị định 80 của Chính phủ, việc cung ứng sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm; NHNN đã khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, người sở hữu tiền ảo không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận. Điều này đã được khẳng định rất nhiều lần, từ năm 2013 rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Về xử lý vi phạm, theo Nghị định 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam sẽ bị phạt từ 150-200 triệu đồng. Còn theo Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Còn công ty vi phạm thì tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý của cơ quan chức năng. Đối với các nạn nhân, nếu họ có gửi đơn khởi kiện thì cơ quan chức năng vẫn tiếp nhận, còn việc có xử lý hay không thì chưa biết. Vì như đã nói, tiền ảo không được pháp luật công nhận thì người chơi cũng khó được pháp luật bảo vệ.
Người dân vẫn có thể khởi kiện
Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Trưởng văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ) (ảnh) cho rằng, mặc dù tiền ảo không được pháp luật bảo vệ nhưng người dân vẫn có thể khởi kiện nếu cung cấp cho cơ quan pháp luật các giấy tờ liên quan như hợp đồng thỏa thuận, những hứa hẹn, những giao dịch bằng tiền thật… "Tuy có điều luật pháp không bảo vệ nhưng vẫn giải quyết theo lẽ công bằng. Nếu pháp luật xét thấy bên bị kiện không có yếu tố hình sự thì sẽ khởi kiện theo dân sự. Điều quan trọng vẫn là người dân phải thu thập đủ các bằng chứng trước khi khởi kiện" - luật sư Vũ nói.
* Được biết, Modern Tech có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, chia làm 10 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Số cổ phần trên do 7 cổ đông sáng lập đăng ký đóng góp, gồm: Vũ Hữu Lợi (15 tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ sở hữu 15%); Hồ Xuân Văn (13%); Hồ Phú Ty (12%); Lưu Trọng Tuấn (12%); Lương Huỳnh Quốc Huy (12%); Nguyễn Đức Trọng (12%); Bùi Thị Ngọc Mỹ (12%). Trong đó, người đại diện theo pháp luật của Modern Tech là Hồ Xuân Văn với chức danh Tổng Giám đốc.