Nội dung đơn cho rằng thẩm phán Nguyễn Văn Xuân “dùng thủ đoạn cưỡng ép ly hôn”, quyết định phân chia tài sản là “cổ phần” và “vốn góp” khi chưa định giá các tài sản này.
Đơn kêu cứu có nội dung, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân có hành vi “lừa dối đương sự để hợp pháp hoá vi phạm tố tụng”, cố ý “sử dụng tài liệu không có giá trị chứng cứ" liên quan đến sức khoẻ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ra bản án trái pháp luật, có dấu hiệu che dấu tội phạm của nhóm thao túng Trung Nguyên mà bà Thảo đang tố giác.
Sau khi nhận được đơn kêu cứu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã có phiếu chuyển đơn, gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân tối cao và đề nghị cơ quan xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 20.5, Văn phòng Chủ tịch nước đã có thông báo chuyển đơn thư gửi đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, Phó Chủ tịch nước đã nhận được đơn của bà Thảo. Sau khi nghiên cứu, đơn đã được chuyển đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo quy định.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng gửi đơn đến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Ngày 17.5, Uỷ ban Tư pháp của Quốc Hội cũng đã thông báo xử lý đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi tới đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao tại TP Hồ Chí Minh và đồng chí Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Đơn có nội dung khiếu nại và đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27.3.2019 của Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh vì lý do có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tại phiên tòa chiều 27.3, HĐXX TAND TP.HCM tuyên đồng ý cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ ly hôn.
Về phân chia tài sản, Tòa xác định tổng tài sản của ông Vũ và bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỉ đồng trong các công ty. Việc chia tài sản được dựa theo nguyên tắc là chia đôi, nhưng có tính đến công sức đóng góp của hai bên.
HĐXX cho rằng, ông Vũ sáng lập Trung Nguyên, người đứng tên giấy phép kinh doanh và phát triển công ty. Bà Thảo là người phụ nữ thông minh, có nhiều công sức trong việc chăm sóc 4 con. Nên tòa phân chia cho bà Thảo tỷ lệ 40%, còn ông Vũ 60%. Ông Vũ sẽ sở hữu luôn các cổ phần của bà Thảo, để dễ điều hành công ty và trả lại bằng tiền mặt cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần bà sở hữu.
Đối với tài sản là bất động sản, tòa giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỉ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỉ đồng và có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỉ đồng.
Về khối tài sản tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỉ đồng (thay vì 2.100 tỉ đồng) bà Thảo đang đứng tên, HĐXX xác định đây là tài sản chung, sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên. Theo đó, tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.