"Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, bà Sophie tiếp tục được cách ly trong thời gian này. Bà ấy đang cảm thấy ổn và thực hiện nghiêm túc tất cả các biện pháp được giới chức y tế đề nghị. Các triệu chứng của bà Sophie vẫn ở cấp độ nhẹ", Cameron Ahmad, giám đốc truyền thông của nhà Trudeau cho biết trong một thông điệp chính thức trên mạng xã hội.
Ahmad cũng cho biết thêm, Thủ tướng Trudeau đang khỏe mạng và không có bất cứ triệu chứng gì.
Hiện tại, nhà lãnh đạo Canada đang tự cách ly theo khuyến cáo y tế trong khoảng thời gian dự kiến 14 ngày. Cũng theo lời khuyên của các bác sĩ, ông Trudeau sẽ không tiến hành xét nghiệm trong thời gian này vì chưa có triệu chứng. Ông Trudeau sẽ phát biểu trước người dân Canada trong ngày 13/3.
Trước đó Thủ tướng Trudeau đã tự cách ly ở nhà sau khi phát hiện vợ có những triệu chứng giống cúm nhẹ. Bà Sophie trước đó từng tới London, Anh, nơi đang bùng phát dịch COVID-19. Tìm kiếm lời khuyên của các bác sĩ, bà Sophie sau đó cũng đã tự cách ly để chờ kết quả xét nghiệm.
Diễn biến mới khiến hội nghị thượng đỉnh 2 ngày giữa ông Trudeau và các nhà lãnh đạo khu vực, dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13/3, đã bị hoãn lại. Thay vào đó, ông Trudeau và Phó Thủ tướng Chrystia Freeland thảo luận qua điện thoại về các hành động tiếp theo của Canada nhằm hạn chế virus lây lan ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Tính đến ngày 12/3, Canada có ít nhất 138 trường hợp dương tính với virus corona. Trên thế giới, có 125.000 nhiễm bệnh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu.
Hôm 12/3, ông Trudeau cũng đã họp qua điện thoại với các nhà lãnh đạo của Italy, Mỹ và Vương quốc Anh cũng như tham gia cuộc họp của một ủy ban đặc biết về tình trạng virus corona bùng phát. Ông Trudeau cũng đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Canada về tình hình kinh tế trong thời dịch bệnh cũng như lãnh đạo của Phòng Thương mại và Hội đồng Lao động Canada.
Thông báo chính thức của WHO cho biết, ít nhất 125.288 trường hợp nhiễm corona trên toàn thế giới với 4.614 trường hợp tử vong. Riêng tại Mỹ, có 1.663 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang gây ra cú tắm máu với thị trường chứng khoán toàn thế giới. Sau cú sập lịch sử lên tới gần 10% của Dow Jones trong phiên giao dịch ngày hôm qua, chứng khoán châu Á cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Topix của Nhật đã giảm 8,5%, Hang Seng mất 7,4%, Kospi của Hàn Quốc mất 7,3% trong khi S&P/ASX 200 của Australia mất tới 7,4%.