Chưa bao giờ hai tiếng "lương hưu" lại gây sự chú ý của nhiều người đến thế. Là bởi bất hợp lý của chính sách đã lộ ra đến nỗi một người bình thường nhất cũng nhìn thấy.
"Nóng" giảm lương hưu của lao động nữ từ 1-1-2018
3 tháng sau khi UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, BHXH Việt Nam đề nghị xem xét lại quy định tại điều 56 Luật BHXH năm 2014 về việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% xuống 2% cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi của lao động nữ, nhiều người bắt đầu lo lắng khi không thấy phản hồi. Thời điểm 1-1-2018 đã cận kề một bên. Các doanh nghiệp cũng nhấp nhổm không yên bởi cuối năm là cao điểm của sản xuất kinh doanh; nếu người lao động đồng loạt nghỉ việc, ngừng đóng BHXH để "né" lương hưu thì tình hình chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Đột ngột thay đổi cách tính lương hưu cho lao động nữ ngay năm 2018 là một cái tát vào chính sách lao động nữ.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để hưởng mức lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm. Nhiều người cho rằng đây là một kiểu kéo dài tuổi hưu của lao động nữ trá hình. Trong tình hình đóng BHXH xập xình của các doanh nghiệp như hiện nay thì để có đủ 20 năm đóng BHXH- mức tối thiểu để được hưởng lương hưu khi đủ tuổi, đã là quá khó đối với lao động nữ.
Trừ lao động nữ có trình độ cao trong khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, còn lại thời gian đóng BHXH 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa là mục tiêu khó với tới đối với lao động khu vực ngoài nhà nước. Trong khi lao động nam việc tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa có lộ trình kéo dài đến năm 2022 thì đối với nữ lại thực hiện đột ngột ngay năm 2018, điều này là một cái tát vào chính sách lao động nữ.
"Đắng" lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm trồng người
Chuyện giảm lương hưu của lao động nữ chưa lắng dịu thì lại bùng lên vụ cô giáo Trương Thị Lan đã ngất xỉu khi nhận quyết định hưởng lương hưu với mức 1,3 triệu đồng/tháng.
Trước đó chắc chắn đã có người nhận mức lương hưu "chết đói" ấy nhưng vì điều đó không được thông tin trên mạng xã hội nên không ai biết. Trường hợp cô Lan là giọt nước tràn ly. Từ cô Lan, có thêm cô Loan và tại cuộc họp ngày 31-10, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết hiện cả nước có 3.228 người có mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng.
Cô giáo Trương Thị Lan đã ngất xỉu khi nhận quyết định hưởng lương hưu với mức 1,3 triệu đồng/tháng.
Nếu ở TP HCM thì những người này sống dưới chuẩn nghèo bởi hiện nay chuẩn nghèo của TP là thu nhập dưới 1.750.000 đồng/tháng. Nếu không có sự thay đổi kịp thời thì bước sang năm 2018, với tỉ lệ lương hưu bị giảm như quy định tại điều 56 Luật BHXH thì đội quân sống dưới mức nghèo khó chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần con số đó.
"Tháo chạy" khỏi chính sách
Điều này là có thật. Nhiều người lao động trong độ tuổi 35 đến 45 tuổi, thời gian đóng BHXH trên 15 năm cho biết họ sẽ nghỉ việc để lãnh trợ cấp một lần chứ không chờ đóng đủ 20 năm để sau này có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi.
"Quy định đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì không được lãnh trợ cấp một lần khi nghỉ việc mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu cũng không thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ tuyển lao động trẻ, tìm cách đẩy lao động lớn tuổi ra đường. Tôi năm nay 40 tuổi, giả sử tôi đóng BHXH được 20 năm thì phải chờ thêm 15 năm hoặc nhiều hơn nữa mới được lãnh lương hưu. Từ giờ tới đó tôi làm gì để sống, để có tiền đóng BHXH thêm nhiều thời gian để hưởng mức lương hưu cao hơn? Khó lắm vì không có công ty nào chịu nhận lao động lớn tuổi như tôi, còn đóng BHXH tự nguyện thì lấy đâu ra tiền? May quá, tôi đóng BHXH mới 16 năm"- chị Nguyễn Thị Nga, vừa nghỉ việc tại Công ty P.Y (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết như vậy.
Nghỉ việc trước khi đóng đủ 20 năm BHXH sẽ trở thành phổ biến?
Không chỉ chị Nga và các đồng nghiệp ở P.Y mà nhiều người lao động khác cũng đang nghe ngóng, chờ đợi. "Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn chúng tôi sẽ nghỉ việc. Khi đó thì không chỉ vỡ quỹ BHXH vì phải chi trả trợ cấp một lần cho quá nhiều người lao động mà còn có nguy cơ niềm tin của người lao động vào chính sách lương hưu bị đổ vỡ". Đây là nội dung trong thư của anh L.H.T đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP HCM gửi đến Báo Người Lao Động.
Lấy tiền đâu ra để đóng cao?
Từ câu chuyện của cô giáo Lan, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, bài toán đặt ra là phải nghiên cứu chính sách để cải cách lại hệ thống BHXH, mức đóng phải cao lên, từ đó tiền lương trả cho giáo viên cũng phải cao lên. Cần phải giải thích để người tham gia thấy rằng muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao, thời gian đóng BHXH phải dài hơn để đủ được 75% lương bình quân khi nghỉ hưu.
Đóng cao để hưởng cao, đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng có câu hỏi lại, tiền đâu để đóng trong khi công chức, viên chức nhận lương không đủ sống; người lao động được trả lương bèo bọt và chủ doanh nghiệp thì đang kêu gào tỉ lệ đóng BHXH quá cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm? Hơn nữa, đóng cao, đóng nhiều có bảo đảm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động được bảo toàn, không bị mang đi đầu tư ở đâu đó rồi mất hút hàng ngàn tỉ đồng hay không? Đóng cao, đóng nhiều có bảo đảm quỹ không bị đổ vào xây trụ sở hoành tráng; tiền lương, thưởng của nhân viên ngành BHXH cao cao ngất trời hay không?
Những câu hỏi này xin dành cho những người có trách nhiệm trong thiết kế chính sách. Mong là nó được trả lời thấu đáo.