Các dòng Phi điệp đột biến từng làm mưa làm gió đang được rao bán với giá rẻ khiến nhiều chủ vườn đang đứng trước nguy cơ ôm nợ.
Từ giá 3-4 triệu đồng/cm giờ không còn ai mua
Giữa tháng 12/2021, theo tìm hiểu của Đất Việt, nhiều cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, giá của mỗi thương vụ giao dịch đã giảm đi đáng kể so với thời điểm giữa năm 2020.
Dòng phổ thông nhất của Phi điệp đột biến là 5 cánh trắng Phú Thọ hiện đang được nhiều nhà vườn rao bán với chỉ từ 500.000 - 1 triệu đồng/cm. Trong khi đó vào thời điểm này năm ngoái, giá mỗi cm Phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ đang được bán với giá khoảng 2 triệu đồng/cm.
Dòng Phi điệp 5 cánh trắng Hà Tĩnh sau quãng thời gian sốt giá, có thời điểm lên tới 3 - 4 triệu đồng/cm thì ở thời điểm hiện tại hầu như không còn được nhiều người quan tâm, ít giao dịch diễn ra.
Nếu có thương vụ giao dịch thì cũng chỉ rơi vào khoảng 500.000 - 700.000 đồng/cm.
Lan Phi điệp đột biến đang rơi vào tình trạng vỡ trận. |
Những loại Phi điệp đột biến từng có giá lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/kie như Bảo Duy, Hiển Oanh, Bạch Tuyết... cũng bị rớt giá thê thảm sau thời gian ngắn được rao bán với giá trên trời.
Tiền tỷ về đâu?
Ông Nguyễn Văn Thanh (53 tuổi, ngủ một vườn lan ở Hòa Bình) chia sẻ, thời điểm cuối năm 2019, gia đình đầu tư vườn lan hết gần 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ nửa năm đầu được nhiều người quan tâm, tới đặt vấn đề giao dịch nhưng sau đó lượng khách thưa dần.
"Số tiền làm giàn lan chỉ rơi vào khoảng mấy trăm triệu, còn lại là tiền mua giống. Sau gần 2 năm trồng và chăm sóc, hiện nay vườn lan có đầy đủ những loại như 5 cánh trắng Hòa Bình, Hiển Oanh, Hà Tĩnh... nhưng không mấy ai tìm đến mua.
Giá mỗi ngày cũng một đi xuống, không rõ thị trường tăng lên thế nào chứ chưa bao giờ tôi bán một kie lan giá chục triệu đồng cả" - ông Thanh thành thật cho biết.
Theo ông Thanh, vào thời điểm khoảng thời 10/2020 là khoảng thời gian lan đột biến bị rớt giá thê thảm nhất khi mà xuất hiện nhiều thông tin hàng ngày Việt Nam nhập cả chục container lan cấy mô từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng ra nhiều văn bản về việc quản lý giao dịch lan Phi điệp đột biến. "Từ đó cho đến nay, gia đình chưa bán được giò lan nào. Thị trường cứ như bị vỡ trận vì lượng bán ra nhiều hơn lượng mua vào. Đã thế, lan đột biến còn bị bán với giá rẻ" - ông Thanh bày tỏ.
Trao đổi với Đất Việt, một nghệ nhân lâu năm trong lĩnh vực cây cảnh ở TP. Việt Trì, Phú Thọ cho biết, thị trường lan đột biến đang rơi vào cảnh vỡ trận là hệ quả tất yếu của việc thổi giá loại cây này trong thời gian qua.
"Từng có thời điểm có một nhóm đầu cơ vào lan, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thu mua những cây lan đột biến và thổi phồng giá trị của loại cây này. Bây giờ là đến thời điểm, nhóm đầu cơ bán ra ồ ạt với cao và không thu mua lại nữa.
Nhóm này sau khi đã đạt được lợi ích nhất định thì âm thầm rút lui. Để lại những người chơi, kinh doanh thua lỗ tự giao dịch với nhau để bù lỗ.
Từ đó mới sinh ra những chiêu trò lừa gạt nhau, kể cả là lừa người thân để bán được lan đột biến nhằm thu hồi vốn" - vị nghệ nhân này cho biết.
Theo nghệ nhân này, thị trường lan trong năm 2021 sẽ tiếp tục bị làm giá. Khi mà nhóm đầu cơ tiếp tục nhập thêm nhiều mặt hoa cấy mô từ nước ngoài.
Sau đó, dùng truyền thông hoặc các kênh thông tin tạo ra những cuộc giao dịch ảo với giá trị lớn để thổi phồng giá trị mặt hoa lớn.
"Người chơi sẵn có đam mê trong người, cộng với sự truyền thông của thông tin khiến bản thân say đòn dễ chìm vào những chiêu trò thổi giá lúc nào không hay.
Đến khi bỏ tiền tỷ ra mua về nhưng sau đó không thanh khoản được, đành phải ôm một đống nợ và cây hoa không có giá trị thực" - vị này nói thẳng.
(Theo Đất Việt)