Theo báo cáo mới được công bố, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) cho biết, hiệu suất hoạt động quỹ có mức tăng trưởng 9,4% trong tháng 5 (tính theo USD).
Tại thời điểm cuối tháng 5/2021, quy mô danh mục VOF VinaCapital đạt 1,322 tỷ USD, trong đó tỷ trọng cổ phiếu niêm yết chiếm 72,2% danh mục, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 8,2% danh mục. Bên cạnh đó, VOF VinaCapital cũng đang đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (Private Equity) với tỷ trọng 15,3% (khoảng 202 triệu USD)
Về cơ cấu, dẫn đầu top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF VinaCapital vào cuối tháng 5 vẫn là HPG với tỷ trọng 22,3%, tăng 1% so với tháng trước đó. Với sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tỷ trọng ACB và OCB cũng được nâng lên so với tháng 4, lần lượt ở mức 6,1% và 4,7%. Ở chiều ngược lại, VOF đã giảm tỷ trọng các mục đầu tư của PNJ, ACV, QNS.
Cơ cấu danh mục xét theo ngành, vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 24,9% tổng đầu tư của VOF. Ngoài ra, mảng dịch vụ tài chính cũng đóng góp mạnh mẽ với tỷ trọng 21,2% NAV, trong đó đà tăng được đóng góp bởi các cổ phiếu ngân hàng với việc tăng nóng, leo dốc về giá trị so với tháng trước như VPB (+43%), OCB (22,8%), EIB (19,6%).
Tháng 5 vừa qua, danh mục đầu tư của VOF đã rất "bận rộn" với hàng loạt giao dịch sôi động. Cụ thể, đầu tháng 5, VOF đã dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư tham gia vào thương vụ IPO "bom tấn" của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services - DXS) với giá trị khoảng 40 triệu USD. Dự kiến cổ phiếu DXS sẽ tiến hành niêm yết trên thị trường vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. VOF mong muốn sẽ có thể hợp tác cùng DXS để mở ra một giai đoạn mới, trong đó nền tảng kỹ thuật số sáng tạo được triển khai nằm thúc đẩy dịch vụ môi giới BĐS.
Bên cạnh đó, đầu tháng 6 vừa qua, quỹ VOF đã hoàn tất việc thoái toàn bộ cổ phần tại Dược phẩm Imexpharm (IMP), qua đó thu được mức lợi nhuận 16% sau 3 năm đầu tư.
Động lực mạnh mẽ từ nhà đầu tư nhỏ lẻ gia nhập thị trường
VOF nhận định, bất chấp sự bùng phát trở lại làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, thị trường Việt Nam, tiếp tục đà thăng hoa cực kỳ ấn tượng. Hiện thị trường Việt Nam đang dẫn đầu trong khu vực về sức tăng trưởng tính từ đầu năm đến nay.
Động lực thúc đẩy đến từ việc hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận và đặc biệt là hoạt động gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư nhỏ. Số lượng tài khoản mới cao nhất trong lịch sử và doanh thu đạt kỷ lục bất chấp sự miệt mài bán ròng của khối ngoại đã đưa chỉ số VN-Index liên tục lên đỉnh mới.
Trong tháng 5, VN-Index tăng 7,3% so với tháng trước đó, kết thúc tháng tại mức 1.328, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp trong năm 2021 tăng điểm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi thấp cùng giá BĐS đi xuống cũng là những nhân tố cho sự bứt phá thần tốc của thị trường.
Từ góc độ kinh tế, VOF cho rằng, thị trường Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong vòng 18 tháng qua, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ đảo chiều.
Tuy nhiên, những hạn chế của chính sách giãn cách xã hội cũng sẽ phần nào có những ảnh hưởng đến những dự báo về thị trường cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 là 5,8%, thấp hơn 0,4% so với trước, cho thấy tác động của Covid-19 đang ngày càng tiêu cực hơn.
Với P/E tính đến thời điểm 11/6 khoảng 16,4 lần, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch dưới mức trung bình của khu vực Asean (17,2 lần) và của nhóm thị trường mới Đông Nam Á (18,8 lần). Cùng với sự thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh, đà tăng của EPS sẽ đủ để hỗ trợ thị trường và giữ mức định giá trong tầm kiểm soát, ước tính mức tăng trưởng EPS năm 2021 trong khoảng 30%.
Theo VOF, khoản mục đầu tư lớn nhất của quỹ là HPG khi ước tăng trưởng lợi nhuận HPG có thể lên đến 137% năm 2021; cùng với đó, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao là tài chính cũng có mức lãi dự báo sẽ tăng 30% trong năm 2020. Theo đó, danh mục đầu tư cổ phần đại chúng của quỹ dự kiến mang lại mức tăng trưởng EPS cao nhất lên tới 81% với mức P/E dự phóng năm 2021 là 10,8 lần.