Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) vào ngày 28/6 đến đây sẽ chính thức vận hành, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tham gia đợt phát hành đầu tiên thời gian gần đầy liên tục đưa ra những thông tin, chia sẻ để nhà đầu tư hiểu hơn về sản phẩm mới này.
Ghi nhận, trong những đợt phát hành thử nghiệm của các đơn vị như HSC, SSI, VPS, MBS đều ghi nhận số lượng đăng ký vượt lượng chào bán, cho thấy sức hấp dẫn của CW. Có thể lý giải CW là sản phẩm mới, chi phí vốn bỏ ra ban đầu nhỏ và số lượng phát hành của các CTCK không đáng kể, nên số lượng tham gia IPO đợt đầu khá tốt.
Mặc dù vậy, với sản phẩm mới, vẫn còn rất nhiều băn khoăn của nhà đầu tư, nổi bật là rủi ro các CTCK bắt tay "làm giá" khi cùng phát hành CW cho một mã, hay áp lực biến động giá chứng khoán cơ sở sẽ ảnh hưởng đến CW – đặc biệt đây là tài sản có đòn bẩy khá cao…
CTCK có "bắt tay" làm giá
Tại buổi hội thảo mới đây do HoSE tổ chức, ông Nguyễn Đình Thanh, Phó giám đốc phòng Nghiên cứu phát triển Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cho biết, tổ chức phát hành là các CTCK phải thực hiện hoạt động hedging hàng ngày, trường hợp chứng khoán cơ sở (CKCS) tăng họ vẫn phải thực hiện mua vào. Nếu đến gần ngày đáo hạn, CTCK sẽ canh bán dần để lấy tiền chênh lệch thanh toán cho nhà đầu tư nên có khả năng, đến gần thời điểm đó, giá CKCS đi xuống.
Đây là hành động tự nhiên, không phải bắt tay "làm giá". Theo đó, công việc giám sát của Sở, không chỉ trên thị trường CW, mà cả thị trường CKCS, nếu có những biến động bất thường về giá đều sẽ được xem xét.
Theo quy định, CTCK sẽ phải tạo lập thị trường để giá mua và bán gần nhất với giá hợp lý, nhưng lực cầu trên thị trường thì CTCK lại không phải là đối tác duy nhất tác động.
Trước tình hình số lượng mua vượt hẳn so với lượng chào bán lần đầu, đại diện Chứng khoán HSC cho rằng, lượng hàng trong kho của CTCK không đủ thì kết quả của việc tạo lập chưa chắc mang lại mức giá như kỳ vọng của nhà đầu tư. CTCK có thể niêm yết bổ sung để tăng lượng hàng trong kho, từ đó giúp diễn biến giá CW trên thị trường đi đúng hơn với giá CKCS.
Nhìn chung, CW không phải là sản phẩm mua để dành đến ngày đáo hạn, các chuyên gia khuyến nghị. Thực tế, trên thế giới, có đến hơn 90% nhà đầu tư bán trước ngày đáo hạn để giảm áp lực thuế, đồng thời là rủi ro biến động giá vào tuần cuối cùng sẽ có những thay đổi đi ngược kỳ vọng.
Câu hỏi đặt ra, nếu nhà đầu tư cùng bán ra hết CW thì ai sẽ mua vào vì khi mua vào sẽ chắc chắn lỗ?
Chuyên gia trả lời, nếu tất cả các sán phẩm CW cùng đáo hạn trong cùng một đợt, hoặc thời gian đáo hạn gần nhau thì tất yếu rủi ro kéo theo cao hơn. Tức, trong tuần đáo hạn mà nếu CW có lãi, dẫn đến áp lực của CTCK là bán ra CKCS để có tiền thanh toán cho nhà đầu tư.
Bà Trần Thị Mỹ Linh - phụ trách phát triển sản phẩm Chứng khoán HSC - đánh giá, sản phẩm dù phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhưng lại thích hợp cho trading hơn là nắm giữ, tức chỉ cần có lời là nên chốt lời ngắn hạn, và nếu 1-2 tuần diễn biến giá không như dự kiến thì cắt lỗ ngay. Vì khi đáo hạn, rủi ro biến động giá CKCS sẽ mạnh hơn, thậm chí khi đảo chiều thì toàn bộ lợi nhuận đáng lẽ có được lại không còn, thậm chí mất luôn phần phí đã bỏ ra mua CW; chưa kể nhà đầu tư phải chịu thuế cao hơn.
Đại diện BSC cũng chia sẻ, khi giao dịch trên thị trường, thuế 0,1% đang trả trên giá trị chứng quyền, nhưng nếu để đến ngày thực hiện thì 0,1% tính trên giá trị của CKCS nên sản phẩm này để trading sẽ có lợi hơn.
Ngoài ra, càng gần ngày đáo hạn, giá quyền càng giảm, nhà đầu tư càng có xu hướng bán ra, trong khi CTCK hedging theo tỷ lệ delta thì khi nhà đầu tư bán ra, CTCK trước ngày đáo hạn đã bán dần dần CKCS heding ra rồi. Khi tỷ lệ delta đã giảm dần trước đó rồi thì tác động tại ngày đáo hạn sẽ giảm.
Liên quan đến độ biến động giá thực tế và giá lý thuyết, bà Linh cho rằng, trên thị trường chứng khoán phái sinh phát sinh premium hoặc discoun, và đây là một trong những yếu tố không thể đoán định lúc này. Trong định giá, giá lý thuyết thì có đầy đủ tham số có thể tính, nhưng giá trên thị trường lại phụ thuộc cung cầu. Khi sản phẩm chính thức giao dịch, nhà đầu tư cần chú ý và quan sát lượng cung cầu.