Tại buổi thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu-EU (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) diễn ra chiều nay (20/5), đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu TPHCM cho rằng, Quốc hội cần sớm thông qua hai hiệp định này bởi các hiệp định tạo ra thời cơ vàng để đất nước ta gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ tới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM (Ảnh: Quốc hội)
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Việt Nam muốn trở thành một nước phát triển có hai vấn đề lớn, mà hai hiệp định này sẽ có thể giúp đất nước vượt qua, một là phải có những bước phát triển nhất định trong cách mạng công nghiệp 4.0 - nền kinh tế số - trí tuệ nhân tạo; Hai là nền kinh tế Việt Nam phải có đủ năng lực đối phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống. Ví như đại dịch toàn cầu Covid-19 hiện nay.
Biến thời cơ thành hiện thực
27 nước EU là bao gồm những quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư, công nghệ, pháp luật, quản lý nhà nước. Với hai hiệp định này, Việt Nam có cơ hội nâng tầm về các lĩnh vực này.
“Thời cơ đang đến, nhưng có tận dụng phát huy để biến thời cơ thành hiện thực hay không là vấn đề của chúng ta. Kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua từ ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều định chế quốc tế khác… Việt Nam có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong việc biến thời cơ thành hiện thực”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.
“Chúng ta cần xác định rõ, khi EVFTA được thông qua thì đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu một cuộc đua, chứ chưa phải ngồi vào một “bữa tiệc”. Nếu không thành công, chúng ta vẫn có thể tụt hậu. Chúng ta có thể ách tắc trong cái bẫy thu nhập trung bình”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Sức ép buộc Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc Quốc hội sớm thông qua EVFTA và EVIPA để thể hiện là Quốc hội Việt Nam đã đồng tình, đồng hành cùng Chính phủ trong suốt quá trình chuẩn bị 8 năm qua, chứ không phải ngày hôm nay mới đưa ra để trao đổi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội. |
Hai hiệp định này được thông qua ngay cũng thể hiện Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm được tiếp cận thị trường châu Âu trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Điều này cũng giúp hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và khách hàng mới.
Điều thuận lợi là các hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU phần lớn là bổ sung cho nhau chứ không phải là hàng hóa cạnh tranh đối kháng. Ví như trong lĩnh vực dệt may cả hai bên đều có thế mạnh. Nhưng thế mạnh của EU là thiết kế, thương hiệu trong khi thế mạnh của Việt Nam là sản xuất và gia công.
”Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, dệt may, giày, da, chế biến đồ gỗ theo hướng là tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Hai hiệp định này cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong Hiệp định của Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của EU hoặc tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới, tiêu chuẩn về môi trường, về lao động…
“Đây vừa là cơ hội vừa là sức ép để buộc chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện Luật pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch công bằng, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao đầu tư theo hướng chiến lược dài hạn liên kết với nhau để tạo quỹ cung ứng khép kín để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho hàng hóa Việt Nam”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói./.