Văn phòng Chính phủ vửa có công văn yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải hỗ trợ hướng dẫn Tập đoàn Geleximco thực hiện thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất để thực hiện dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép hạ.
Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép hạ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Đối với Dự án cảng tổng hợp container Cái Mép hạ, đây là dự án đã được giao chủ đầu tư - Công ty cổ phần đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu. Do vậy, Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, bồi thường, tái định cư... và quy trình thủ tục đầu tư; đồng thời, tổ chức thẩm định, quyết định các dự án đầu tư theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Sau khi có văn bản của văn phòng chính phủ, đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết: "Thực hiện chủ trương của Chính Phủ về quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, Tập đoàn Geleximco sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án cảng nước sâu Cái Mép tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với hiệu quả kinh tế cao, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh".
Theo đó, Geleximco sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; Hợp tác phát triển và đầu tư mới hệ thống logistics trong nước nhằm phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại. Không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, xã hội hóa phát triển logistic sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh đẩy mạnh chất lượng dịch vụ; hướng đến xây dựng hệ thống cảng biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ vận tải, logistics chuyên nghiệp, hiện đại trên quy mô cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất là với sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép Hạ hữa hẹn sẽ là điểm tập kết xuất nhập khẩu cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistic của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Được biết, mặc dù Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng giao thông, cảng biển, loại hình phương tiện chuyên chở… có liên quan đến thương mại những vẫn chưa bắt kịp được với mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa.
Thống kê mới đây của Hiệp hội DN logistics Việt Nam cũng cho thấy, cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các đơn vị logistic lớn được kể đến như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Vietfracht…
Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 16-20%, logistic là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải sử dụng dịch vụ logistics với những chi phí rất cao.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), điểm yếu của các Doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các Doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Trong tổng chi phí logistics hiện nay liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59-60%. Chi phí logistic của Việt Nam hiện đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhu cầu bức thiết hiện nay là cần nhanh chóng có biện pháp giảm chi phí này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ bởi cảng thuộc quy hoạch trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cửa ngõ quốc tế khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ Quốc, Với hệ thống luồng sâu có thể thiết kế bến cảng đủ năng lực tiếp nhận những tàu lớn nhất trên thế giới với sức chở 18.000 - 22.000 TEU, trọng tải đến 200.000 DWT và nằm gần kề các tuyến hàng hải quốc tế cho phép trực tiếp đưa hàng từ Việt Nam đến thẳng các cảng của châu Âu, Bắc Mỹ mà không cần trung chuyển qua các nước khác như Singapore, Hongkong, tiết kiệm hàng tỷ USD/năm.
Còn Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với quy mô lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ trong khu vực, kết nối trực tiếp với hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với đầy đủ chức năng đồng bộ như tập kết hàng hoá, phân phối hàng hóa, gom hàng, giao hàng, lưu giữ, sử lý, bảo quản .... Kết nối giao thông thuận tiện với tất cả các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt kết nối giao thông đường thuỷ sẽ giúp cho công tác logistics đối với hàng hoá xuất nhập khẩu giảm được rất nhiều chi phí, trực tiếp hỗ trợ và phục vụ cho cụm Cảng phát triển.