Với tinh thần cần tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất. Tại cuộc họp ngày 31/5, Bộ Y tế cho biết theo quy định hiện hành, chỉ các công ty có chức năng nhập khẩu, kinh doanh vaccine mới được nhập khẩu. Cả nước hiện có 27 đơn vị có chức năng này. Do đó, các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với 1 trong số 27 đơn vị này.
"Nút thắt" được tháo gỡ, đến trưa 2/6, Bộ Y tế công bố Việt Nam có 36 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu vaccine Covid-19 và kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine. Bộ nhấn mạnh quan điểm khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm, nhập khẩu vaccine Covid-19.
Hiện Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine Covid-19 qua nguồn COVAX, tuy nhiên lượng vaccine về chưa nhiều. Bộ cũng đã đăng ký với COVAX để mua thêm vaccine theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Trước đó, Astra Zeneca và Pfizer/BioNTech đã ký cam kết cung ứng lần lượt 30 triệu và 31 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
Sau buổi làm việc với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga chiều 2/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021. Ông Long khẳng định với những thỏa thuận đã đạt được, mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi.
Mục tiêu để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất đang có nhiều ánh sáng khi Chính phủ ráo riết vào cuộc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 là rất khả thi.
Song song đó, Quỹ vaccine vẫn đang tiếp tục được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp để đồng hành Chính phủ, chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ cho mục tiêu người Việt được tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Quỹ vaccine dự kiến cần khoảng 25.200 tỷ đồng để tiêm phòng cho 75 triệu người, trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 16.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Tính đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ vaccine.
Trong lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn tiên phong, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch; mặt khác cố gắng giữ nhịp kinh doanh để Việt Nam đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch tốt vừa đạt hiệu quả kinh tế.
Cũng như nhiều tập đoàn lớn khác như Vingroup, T&T, BRG,...đang nỗ lực chung tay ủng hộ quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19, tại tập đoàn Novaland, với tổng ngân sách gần 60 tỷ đồng, ngay từ khi Covid-19 bùng phát, Novaland đã liên tiếp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong công cuộc phòng, chống đại dịch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tập đoàn Novaland đã đồng hành mua vaccine phòng ngừa Covid-19; trao tặng trực tiếp đến Bệnh viện Nhân dân 115 các trang thiết bị y tế chuyên dụng, cấp thiết, công nghệ cao; tổ chức chương trình "Kết nối cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh" nhằm chung tay đóng góp và trao tặng quà đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Tiếp nối TP.HCM, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Novaland sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng trong công tác ủng hộ mua vaccine phòng ngừa Covid-19 trong thời gian tới.