Do hoạt động kinh doanh và vận chuyển bị hạn chế ở nhiều thành phố của Trung Quốc, các công ty không thể hoàn tất các đơn đặt hàng, đáp ứng điều kiện hợp đồng. Họ đang trong quá trình xin giấy cấp chứng nhận trường hợp bất khả kháng từ Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT). Những công ty xuất trình được chứng nhận này có thể được miễn chịu phạt khi không thể đáp ứng các điều khoản trong hợp đồng vì đó là sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát.
Kể từ khi thông báo về giấy phép này vào cuối tháng 1, CCPIT đã cấp 1.615 giấy chứng nhận chỉ trong vòng 2 tuần, theo Tân Hoa Xã. Số giấy chứng nhận vừa được cấp này ghi nhận 109,9 tỷ CNY (15,8 tỷ USD) tổng giá trị hàng hoá sẽ bị huỷ bỏ hoặc bị hoãn thời hạn sản xuất. Nguồn tin ẩn danh tiết lộ với Reuters, hầu hết các bên xin cấp giấy đến từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc, một số ít là các nhà nhập khẩu.
Tân Hoa Xã cho biết các công ty xin cấp giấy phép này đến từ hơn 30 lĩnh vực khác nhau, cho thấy tác động đáng kể từ quy định hạn chế di chuyển, phong toả thành phố và đóng cửa các nhà máy, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, thương mại và hoạt động vận chuyển toàn cầu tại Trung Quốc.
Mới đây, Dun and Bradstreet ước tính rằng có khoảng 22 triệu doanh nghiệp, tương đương 90% tổng doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, đều nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, ít nhất 56.000 công ty trên thế giới sẽ chịu thiệt hại vì sự lây lan của virus corona, cùng với đó là các nhà cung cấp "cấp 1" và "cấp 2".
Stanley Szeto - chủ tịch điều hành tại Lever Style - một nhà sản xuất đồ may mặc, cho biết, không chỉ những loại hàng hoá sản xuất, mà còn nguyên liệu thô, cũng chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc là nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới.
Ngoài tình trạng không thể vận chuyển, các công ty cũng không thể nhận được đơn đặt hàng từ trước, ngành khi đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) và đồng cũng chịu tác động mạnh. Wood Mackenzie - công ty tư vấn hàng hoá, cho hay: "Ví dụ, nhu cầu đối với LNG đã lao dốc kể từ tháng 1."
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị đình trệ, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng vốn diễn ra từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra giờ đây lại nhận được một "cú hích" khác.
Jeremy Nixon - CEO của Ocean Network Express, một công ty vận chuyển container, cho biết: "Các nhà bán lẻ và người mua hàng vẫn muốn có sản phẩm và vẫn lên kế hoạch với số hàng tồn kho. Ở một số nơi như Bắc Mỹ, lượng hàng tồn kho hiện đang khá thấp, nên họ cần phải bổ sung." Ông nói thêm, việc phong toả thành phố và cách ly người dân đã dẫn tới tình trạng thiếu lạo động, ảnh hưởng đến ngày logistics, như lấy và vận chuyển hàng, đặc biệt là hàng đông lạnh.
Theo Reuters, các tàu container vận chuyện gà đông lạnh từ Mỹ đến Trung Quốc đang phải chuyển hướng đến các cảng ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam bởi các khu cảng không còn chỗ để họ sử dụng nguồn điện, bảo quản hàng hoá.
Nixon nhận định, các nhà bán lẻ đã bắt đầu cân nhắc về chuỗi cung ứng của họ khi lượng hàng tồn kho sắp cạn kiện. Do đó, việc mua hàng vẫn đang diễn ra, họ hướng sự chú ý đến khu vực Đông Nam Á để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Trung Quốc. Sự thay đổi này đã bắt đầu diễn ra từ khi chiến tranh thương mại nổ ra và chi phí lao động ở Trung Quốc tăng lên.
Tham khảo CNBC