Để hiểu được Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới các "kỳ lân" công nghệ, chúng ta cần cân nhắc về cả 2 yếu tố. Lime – một start-up cho thuê xe scooter được định giá 2,4 tỷ USD, đã tạm dừng khai thác dịch vụ ở châu Âu và Mỹ khi lệnh hạn chế di chuyển được áp dụng. Trong khi đó, DoorDash – ứng dụng giao thực phẩm 13 tỷ USD, lại có được ưu thế khi cả xã hội đang cách ly.
Nhìn thoáng qua, DoorDash đã hưởng lợi từ đại dịch, còn Lime lại hứng chịu khó khăn. Trên thực tế, đại dịch có thể đã mang đến sự "mất cân bằng" hơn cả thế. Covid-19 đã "tấn công" ở đúng thời điểm khoảng 450 "kỳ lân" trên thế giới đang ở tình trạng yếu ớt. Các mô hình kinh doanh thua lỗ liên tiếp đang làm dấy lên những câu hỏi lớn về sự hiệu quả trong hoạt động của họ. Theo Dara Khosrowshahi– ông chủ của Uber, một số start-up kỳ lân sẽ phá sản.
Alfred Lin– thành viên ban lãnh đạo của Sequoia Capital – một công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon, cho biết, đối với các nhà đầu tư, tâm lý "FOMO" đã được thay thế bằng "nỗi sợ về việc người khác cho rằng mình ngu ngốc". Rất nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ những thương vụ mới, thay vào đó họ nỗ lực "cứu" những thương vụ cũ. Một công ty đang cảnh báo các cổ đông rằng doanh thu có thể sẽ giảm 30% trong 2 quý tới và chi phí tương ứng sẽ bị cắt giảm.
Ngày 5/3, Sequoia đã phát hành một bản ghi nhớ có tên "Coronavirus: Thiên Nga Đen của năm 2020", cảnh báo rằng sự bùng phát của dịch bệnh sẽ kéo tụt đà tăng trưởng của các start-up và kêu gọi các công ty trong danh mục đầu tư của họ (1 trong số đó là DoorDash) nên cắt giảm chi phí, tiết kiệm tiền mặt và chuẩn bị cho kịch bản vốn cạn kiệt.
Trên thực tế, niềm tin đối với việc thúc đẩy đà tăng trưởng bằng mọi giá đã trở thành một nguyên tắc mới. Ryan Dzierniejko – ban lãnh đạo của công ty luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, nhận định, sau nhiều năm các thương vụ IPO được thực hiện mà không tập trung vào yếu tố lợi nhuận, thì "hướng đi tới lợi nhuận" lại là một khẩu hiệu mới.
Thực tế này đã diễn ra với các kỳ lân từ trước khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với Covid-19 vào ngày 13/3. Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) cho rằng 1/3 các start-up tỷ USD ở nước này sẽ bị thâu tóm hoặc sụp đổ. Khi nhà đầu tư trên toàn thế giới thảo luận sôi nổi về các loại tài sản an toàn trong bối cảnh thị trường biến động, thì dự đoán của Khosrowshahi có thể trở thành sự thật sớm hơn. Một số thậm chí còn nhận thấy nguy cơ bong bóng dotcom tái diễn. Còn những ý kiến khác lại lạc quan hơn. Dù kịch bản nào trở thành sự thật, thì không gian start-up sau đại dịch sẽ không còn giống như trước đây.
Sóng gió trong không gian start-up
Trong thập kỷ qua, các start-up đã nhận được những khoản đầu tư dồi dào từ các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đã tăng từ 32 tỷ USD trong năm 2009 lên tới 121 tỷ USD vào năm 2018. Khoảng 822 tỷ USD đã được đổ vào các start-up ở Mỹ kể từ năm 2010, các start-up ở những nơi còn lại trên thế giới cũng nhận được dòng vốn tương tự. Dòng tiền được đổ vào quá nhanh đã cho phép các công ty "đốt tiền" tránh được sự theo dõi sát sao của thị trường, với những lời hứa hẹn "có cánh" về lợi nhuận.
Sự hứng khởi đối với các kỳ lân đã giảm nhiệt từ năm ngoái. Trường hợp đầu tiên là Uber, "lên sàn" vào tháng 5, được định giá thấp hơn 30% so với mức mà các ông chủ ngân hàng đầu tư đã cam kết. Hiện tại, vốn hoá của Uber là 43 tỷ USD, thấp hơn 1/3 so với thời điểm IPO. Thuơng vụ IPO của Lyft và Slack cũng gây thất vọng. Đến tháng 10, "con cưng" của SoftBank – WeWork, đã hoãn IPO vô thời hạn sau khi thông tin về tình trạng thua lỗ triền miên khiến nhà đầu tư không còn hứng thú với start-up này. Mức định giá của WeWork đã giảm từ 47 tỷ USD xuống dưới 8 tỷ USD.
Sau WeWork, một loạt start-up khác cũng thất bại, ví dụ như Brandless và Zume đã ngừng hoạt động vào tháng 1 và 2, cả 2 đều được hậu thuẫn bởi quỹ Vision. OneWeb cũng được tỷ phú Masayoshi Son đầu tư đã nộp đơn xin phá sản.
Trên thực tế, tình trạng bất ổn còn vượt ra ngoài phạm vi "đế chế" của ông Son. Trong quý IV/2019, các start-up được các công ty VC của Mỹ hậu thuẫn huy động được mức vốn thấp hơn 16% so với quý trước, các vòng gọi vốn lớn cũng giảm 1/3. Năm ngoái, các start-up Trung Quốc đã bước vào "mùa đông ảm đạm", khi các nhà đầu tư không còn muốn rót tiền cho những công ty "đốt tiền" với tốc độ chóng mặt.
Sự lao dốc của các "fake tech"
Cú sốc do virus corona ập đến vào đúng thời điểm các kỳ lân công nghệ đã cho thấy những rủi ro tiềm ẩn. Một số, điển hình nhất là WeWork, thực ra chưa từng xứng đang với danh hiệu "kỳ lân". Gọi đây là công ty công nghệ không hơn gì việc tự gán mác hời hợt, họ phần nhiều muốn ăn theo hiệu ứng "bánh đà" - điều thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng của Amazon hay Facebook. Khi họ có số lượng người dùng đủ lớn sẽ hấp dẫn và lôi kéo nhiều người dùng mới hơn và cứ thế tiếp diễn.
Các công ty còn lại có thể là công ty công nghệ thực sự, nhưng như Uber hay Lyft, họ sớm gặp phải việc "bánh đà" kỹ thuật số này ứ đọng và gặp trở ngại. Và có quá nhiều kỳ lân sở hữu cấu trúc tài chính thiếu tin cậy và không minh bạch – yếu tố có thể giúp họ phóng đại mức định giá.
Theo Randy Komisar – luật sư đến từ công ty VC Kleiner Perkins, nhận định, đối với một start-up kỳ lân được coi là "công nghệ thực sự" thì sản phẩm của họ phải là công nghệ. Ông nói: "Mọi việc không chỉ là sử dụng công nghệ". Các công ty bán hàng hoá và dịch vụ vật lý thường không làm được điều đó.
Những start-up công nghệ thường cung cấp dịch vụ dựa trên đám mây, đặc biệt là cho các công ty khác. Chính điều này là yếu tố giúp những công ty như Slack và Zoom có khả năng "miễn dịch" với virus corona, khi cách ly xã hội đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ.
Yếu ớt hơn khi Covid-19 ập đến
Tất cả những yếu tố mà các start-up kỳ lân gặp phải đều chỉ ra một điều chắc chắn về sự "rung chuyển" mà họ sẽ phải đối mặt. Các công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc phong toả, giãn cách xã hội đang phải sa thải nhân viên. Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, Lime đã sai thải 14% nhân viên và ngừng hoạt động ở hàng chục thành phố. Ngày 27/3, Bird cho biết họ sa thải 1/3 nhân sự để bảo đảm dự trữ tiền mặt.
Nhìn chung, các start-up kỳ lân đã cắt giảm hàng nghìn việc làm, nhưng đó có lẽ chưa phải sự kết thúc của quá trình sa thải. Những nhân viên còn lại đang chứng kiến cảnh giá cổ phiếu của công ty rớt theo từng ngày và triển vọng về IPO "bốc hơi". Các thương vụ này sẽ bị "đóng băng" cho đến khi đại dịch qua đi.
Trong khi đó, cộng đồng các start-up kỳ lân đang không ngừng bàn tán về những thương vụ thâu tóm. Từ lâu, SoftBank đã muốn sáp nhập DoorDash và Uber Eats. Tập đoàn Nhật Bản có thể một lần nữa nỗ lực sáp nhập Grab và Gojek, khi cuộc chiến cạnh tranh giá đang khiến họ mất khoảng 200 triệu USD/tháng. Tại Mỹ, Uber có thể sẽ thuyết phục Lyft về "một đội". Hoặc, việc bán lại cho một công ty khác cũng là một "lối thoát".
Nếu tất cả đều thất bại, thì "hãy bán cho 1 trong những kẻ xấu mạnh nhất" như một giám đốc VC nói. "Kẻ xấu mạnh nhất" ở đây chính là Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon và Facebook, họ đang sở hữu dòng tiền mặt lên đến 570 tỷ USD. Các nhà quản lý thường không muốn các big tech tiếp quản những thương vụ như thế này, nhưng đây không phải là khoảng thời gian bình thường. Khi một cuộc suy thoái mang theo đầy tổn thất xuất hiện, thì việc đảm bảo số lượng việc làm có thể vượt qua mối lo ngại về chống độc quyền.
Ngay cả khi một số start-up kỳ lân sống sót qua đại dịch, nhờ những thương vụ mua lại, sáp nhập hay chỉ đơn giản là may mắn, thì Covid-19 chắc chắn vẫn tàn phá họ.
Tham khảo Economist