Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong buổi công bố Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam ngày 21/4, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures tổ chức.
Các số liệu trong báo cáo cho thấy, sau một năm 2020 đầy khó khăn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và căng thẳng.
Theo đó, tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Cùng với đó, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Trong năm 2021, tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, được phân bổ đều giữa các quốc gia. Trong đó, Singapore là quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup của Việt Nam giai đoạn 2013-2021.
Theo báo cáo trên, trước diễn biến mới, khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.
Thêm một điểm nhấn, trong năm vừa qua, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của hai kỳ lân công nghệ mới là Momo và Sky Mavis. Thành công của hai công ty này tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực.
Năm 2021, hoạt động thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai ngành đứng đầu về thu hút vốn đầu tư. Trong khi ngành trò chơi trực tuyến (Gaming) đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity.
Về giá trị khoản đầu tư, trong năm qua, số tiền đầu tư vào các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD đạt kỷ lục gần 1,2 tỷ USD, chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021. Tỷ lệ này tiếp tục tạo nên kỷ lục mới khi con số này những năm trước đó là 74% vào năm 2021 và 78% vào năm 2019.
Bên cạnh đó, nguồn vốn dành cho các vòng có giá trị nhỏ hơn 10 triệu USD cũng đã đạt ngưỡng mới là 256 triệu USD, tăng 118% so với năm 2020.
Việc vốn đầu tư được phân bổ tương đối đồng đều giữa các giai đoạn gọi vốn trong những năm gần đây phần nào cho thấy sự phát triển ổn định của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
CHUYỂN ĐỔI SỐ GIÚP DOANH NGHIỆP CÓ THỂ ĐẠT TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề cập đến việc "đổi mới sáng tạo" đang là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn cầu. Đồng thời cho biết những năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo.
Điều này được thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông
Theo ông Đông, hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng mà còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc.
Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC cho rằng với những thành quả đã đạt được trong năm vừa qua, 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số Việt Nam.
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures nhận định hệ sinh thái thương mại điện tử và khởi nghiệp ở Việt Nam đã có những bước hồi phục ấn tượng trong năm 2021 nhờ vào sự bền bỉ của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.
"Với đà phát triển hiện nay, tôi tin rằng các nhà sáng lập Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ đáng chú ý trong khu vực"- bà Lê Hoàng Uyên Vy bày tỏ.