Cả vốn đăng ký và giải ngân đều cao kỷ lục
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đánh giá là một mảng sáng của bức tranh kinh tế năm 2019. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/12/2019, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Cụ thể, lượng vốn đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD, vốn điều chỉnh và tăng thêm đạt 5,8 tỷ USD, và lượng vốn góp mua cổ phần đạt 15,47 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI năm 2019 cũng đạt con số cao kỷ lục từ trước tới nay với 20, 38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh năm 2019. (Ảnh minh họa)
Tính chung năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lượng vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ…Tuy nhiên, năm 2019 dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam giảm rõ rệt, Quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.
Theo đối tác đầu tư, năm 2019 ghi nhận đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD, Đứng vị trí thứ ba là Singapore, và tiếp sau là Nhật Bản, Trung Quốc...
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 62 tỉnh ,thành phố, trong đó Hà Nội đứng đầu về thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. TP. HCM đứng thứ 2 với 7,0 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…
Cần “bộ lọc” mới cho dòng vốn FDI
Theo nhận định của TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2019, dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng chuyển dịch mới đáng chú ý. Về hình thức đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn và tốc độ tăng nhanh. Về đối tác, vốn từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng mạnh, trong khi từ Nhật Bản nhiều khả năng không nằm trong top 3 quốc gia đầu tư lớn nhất như mọi năm. Về lĩnh vực, mặc dù vốn vẫn tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, song đang tăng nhanh hơn ở dịch vụ, hạ tầng.
Điều đáng tiếc là các lĩnh vực có tiềm năng mà Việt Nam đang cần và khuyến khích đầu tư như nông nghiệp công nghệ cao còn chưa thu hút được nhiều vốn ngoại, TS. Phan Hữu Thắng nêu rõ.
Cần lựa chọn những nhà đầu tư nước ngoài uy tín vào Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Từ thực tế đó, ông Thắng cho rằng, cần có nghiên cứu sâu để bổ sung vào định hướng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, có nên xác định trước một tỷ lệ tương đối trong từng giai đoạn (ví dụ 5 năm) sẽ thu hút bao nhiêu % theo kênh trực tiếp và bao nhiêu % theo kênh M&A? Những ngành nghề, lĩnh vực nào cần và không cần khuyến khích đầu tư theo kênh M&A…
TS. Phan Hữu Thắng lưu ý: Đây là thời điểm cần cài đặt một “bộ lọc” nhà đầu tư ngoại để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, bởi vì đã qua thời kì trải “thảm đỏ” với tất cả nhà đầu tư. Cần có bộ lọc mới để chọn lựa và bảo vệ được uy tín, hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nghiêm túc, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế về đầu tư, của nước chủ nhà, đồng thời cũng là để bảo vệ sự phát triển hiệu quả của đầu tư nước ngoài tại Việt nam trong giai đoạn tới.
Đề cập đến “bộ lọc” FDI, PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Cần chuyển cách đón đầu tư FDI theo kiểu thụ động sang thế chủ động đi tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mà chúng ta đang mong muốn có được. Đó là những nhà đầu tư có thể tạo ra các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi Việt Nam đang thiếu, chưa có.
Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, phải tìm được những doanh nghiệp, những nhà đầu tư không cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước sẵn có, mà phải lấp được những khoảng trống, phải tạo ra bứt phá cho sản xuất trong nước. Và đặc biệt, các doanh nghiệp FDI phải liên kết được với các doanh nghiệp trong nước để tạo ra sự kết nối cho tất các các doanh nghiệp cùng đi lên, cùng phát triển.
Cần cân nhắc kỹ hệ thống danh mục hạn chế cho đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường trong xu thế bảo hộ thương mại. “Nếu chúng ta không rà soát tốt, xây dựng tốt hàng rào ngành nghề doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng về năng lực với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta sẽ mất đần đi những thương hiệu, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia,” ông Cường lưu ý./.