Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng kể từ đầu năm đến tháng 8, Bình Dương thu hút hơn 1,493 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 42 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký 476,6 triệu USD và 21 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng 792,9 triệu USD, số dự án góp vốn, mua cổ phần là 78 với tổng vốn 223,9 triệu USD. Riêng tháng 8, dịch bệnh hoành hành, nhưng Bình Dương vẫn thu hút được gần 34 triệu USD vốn FDI.
Hoạt động bền vững
Ông Majima Toshihiro, Tổng Giám đốc Công ty Takako Việt Nam, cho biết, hiện công suất nhà máy đạt từ 70 - 80% so với bình thường. “Không phải cứ có lãi mới làm, phải chia sẻ để cùng nhau vượt khó. Bình Dương là nơi đầu tư tốt nên chúng tôi hoạt động mang tính bền vững”, ông Toshihiro nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan nắm chắc thông tin tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, kịp thời. Cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng thông quan hàng hóa.
Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương, nhận định: “Bình Dương là vùng đất với nhiều hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế lớn. Địa phương này có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đạt đẳng cấp quốc tế trong những năm gần đây. Cơ chế, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đã tạo được sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng là lý do nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia phát triển đến tìm cơ hội đầu tư, trong đó có Hàn Quốc”.
Xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Bình Dương), cho biết, thời gian qua, ngành công thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo từng ngành, địa phương để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu. Nhiều chương trình được doanh nghiệp quan tâm như hỗ trợ đổi mới máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử...
Giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng mạnh như gỗ (tăng 44,2%), máy móc, thiết bị (tăng 54,3%), dệt may (tăng 22,1%), giày dép (tăng 22,3%).
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, cho biết, Sở đang tổ chức nắm tình hình doanh nghiệp liên quan tồn đọng hàng hóa, tìm kiếm thị trường để tham mưu giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến thương mại sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Ông Toàn cho hay, đến nay đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với 18.000 doanh nghiệp, trong đó, gần 4.000 doanh nghiệp FDI.
TPHCM: Vốn FDI lao dốc
Cục Thống kê TPHCM cho biết, từ đầu năm 2021 đến ngày 20/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố là 2,18 tỷ USD (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 359 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 278,6 triệu USD; 27 dự án liên doanh, vốn đăng ký là 96,9 triệu USD.
Trong đó, có 386 dự án được cấp phép với vốn đăng ký 375,5 triệu USD, giảm 52,7% về số dự án và giảm 50,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung ở 3 ngành kinh doanh bất động sản, thương nghiệp và vận tải kho bãi, trong đó ngành kinh doanh bất động sản chiếm 57% về vốn đăng ký cấp mới. Hai quốc gia có tỷ trọng vốn cao và chiếm đến 76,2% tổng vốn đăng ký là Singapore (59 dự án, vốn 204,9 triệu USD) và Hà Lan (13 dự án, vốn đăng ký 81,2 triệu USD).
ĐD