Dữ liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, trong quý 1/2022, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam 3,2 tỷ USD, giải ngân lên đến 4,42 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực hút vốn lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản.
Tại Diễn đàn bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, vốn FDI giải ngân quý 1/2022 đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong nửa thập kỷ. Và trong 5 năm gần nhất, dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam đặc biệt chảy vào lĩnh vực sản xuất chế tạo và bất động sản.
Vốn FDI cấp mới phân theo ngành giai đoạn 2016 - Quý 1/2022. Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư.
"Xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI vào bất động sản trong 5 năm qua rất thú vị. Nếu như giai đoạn 2017-2018, dòng vốn ngoại vào bất động sản Việt Nam tập trung chủ yếu phân khúc nhà ở, thì nay chuyển dịch về phát triển bất động sản khác, như bất động sản Khu công nghiệp (KCN) có xu hướng rất rõ", bà Trang Bùi cho hay.
Theo bà Trang Bùi, một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư khi rót tiền vào thị trường Việt Nam đó là đồng VNĐ ổn định so với các đồng ngoại tệ khác như của Thái Lan, Indonesia... Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp Việt Nam được xem như điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dần chuyển từ nền công nghiệp cơ bản thâm dụng lao động sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi nước này. Và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư.
Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: "Việt Nam đang chuyển đổi nhanh về phát triển tài sản cả logistic và bất động sản công nghiệp, hiện 60% là kho truyền thống, và xu hướng sẽ chuyển sang bất động sản hạng A và kho bãi. Ngoài ra còn có bất động sản tích hợp và quan tâm tới phát triển bền vững".
Dự báo của Cushman & Wakefield, trong 5 năm tới, có khoảng 40.000ha đất khu công nghiệp cung cấp cho thị trường; các kho bãi cũng đang được quan tâm đầu tư mới và nhanh, dự kiến đến 2025 sẽ tăng trưởng 22%.
"Để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp/ logistics và trở nên thu hút và cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng", bà Trang Bùi cho hay.