150 tỷ USD vốn FDI đăng ký ảo?
Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 10 tháng của năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, có 2.458 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 15 tỷ USD, 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp 6,3 tỷ USD. Tính đến ngày 20/10, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 15,1 tỷ USD, bằng gần 50% lượng vốn đăng ký.
Dòng vốn ngoại vào Việt Nam được ghi nhận đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, FDI cũng để lại những tác động khác, trong đó thấy rõ nhất là việc chưa lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh những con số đẹp về thu hút đầu tư, các số liệu thống kê trong nhiều năm trở lại đây cũng cho thấy, may mặc, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ là những lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Nhìn tổng thể, đây là điều mừng. Tuy nhiên, vốn FDI đổ nhiều vào bất động sản và những lĩnh vực gia công chất lượng thấp vẫn chiếm đa số trong các nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Về lâu dài, đây sẽ là bài toán khó với nền kinh tế. Điều đáng lo hơn nữa, theo các chuyên gia, việc dành quá nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho các lĩnh vực này đang cho thấy những mặt trái khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016 các DN FDI tạo ra 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN). Tuy nhiên, các DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp ít nhất vào ngân sách: chỉ 250.900 tỷ đồng so với 434.700 tỷ đồng của khu vực tư nhân và 277.300 tỷ đồng của khối DN nhà nước. Lý do, các DN FDI sản xuất công nghệ cao có chính sách rất ưu đãi về thuế, như miễn thuế thu nhập DN hoàn toàn trong 4 năm đầu tiên, 3 năm sau nộp thuế 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...
Cùng với những thành tích thu hút FDI, việc tồn vốn đầu tư, “đầu tư ảo” cũng đang là vấn đề cần chú ý với các cơ quan quản lý khi nhìn trên tổng lượng vốn đăng ký và giải ngân tích lũy qua nhiều năm.
Các số liệu từ Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, tính đến nay, số vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam đã đạt trên 333 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký vẫn chưa được thực hiện. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, việc tận dụng nguồn vốn FDI đã giải ngân mới là vốn thực, có ý nghĩa thực sự với nền kinh tế. Còn theo các chuyên gia, số “vốn ảo” đăng ký này nếu không được nhìn nhận rõ ràng, sẽ kéo theo những sai lệch về số liệu và dự báo, ảnh hưởng đến dự báo tốc độ phát triển của đất nước.
Còn ở khía cạnh địa phương, mặt trái của cuộc đua thành tích thu hút FDI là nhiều dự án tỷ USD đăng ký đến nay vẫn “đắp chiếu”, chưa được triển khai. Trong số này phải kể đến Dự án Saigon Atlantis Hotel (vốn đăng ký 4,1 tỷ USD); Dự án Hóa dầu Long Sơn (4,5 tỷ USD); Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (2 tỷ USD); Dự án Khu đô thị đại học quốc tế (3,5 tỷ USD); Dự án Kobelco (1 tỷ USD)…
Chất lượng vốn FDI còn thấp
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết, với nền kinh tế Việt Nam, việc thu hút FDI vẫn là tiếp tục phải thực hiện trong thời gian tới. Cùng với thu hút vốn, tận dụng lợi thế từ nguồn vốn ngoại và thực giải ngân thế nào lại là vấn đề không hề dễ. Thực tế, khối các doanh nghiệp (DN) FDI đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế Việt Nam chưa cao là vấn đề Chính phủ cần lưu tâm. Các DN FDI luôn đòi hỏi ưu đãi thuế khi đầu tư vào một nước nào đó trong khi Chính phủ muốn thu hút đầu tư bằng các gói ưu đãi.
Còn theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB, nguồn vốn FDI vào Việt Nam hiện vẫn đang phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng. Nếu cộng dồn những yếu tố này lại, Việt Nam sau nhiều năm đón nhận dòng vốn ngoại, dù có nhiều điểm đáng tự hào, nhưng vẫn giữ vị thế gia công. Điều này thể hiện khá rõ qua cơ cấu xuất nhập khẩu của đất nước. Đến nay, khối FDI đã chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hoá sau gia công. Bên cạnh đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của khối này là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu.
4 tỷ USD vốn vay ODA ưu đãi chưa được giải ngân
"2018 là năm cuối cùng Việt Nam được nhận các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp từ ADB. Từ năm 2019, mức lãi suất thấp sẽ không còn cho Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian cho vay sẽ ngắn hơn. "Hiện vẫn còn tới 4 tỷ USD vốn vay của ADB dành cho các dự án tại Việt Nam chưa được giải ngân đúng tiến độ. Trong đó, riêng năm 2018 còn tới hơn 600 triệu USD vốn vay ưu đãi lãi suất thấp. Nếu không gấp rút thúc đẩy giải ngân, mức lãi suất ưu đãi cho Việt Nam sẽ không còn nữa trong khi rất nhiều dự án đầu tư hạ tầng đang cần tới nguồn vốn này". ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB