Bloomberg vừa đưa tin Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD. VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết, nguồn tin cho biết. Hãng xe sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ nếu thành công.
Với mức 2 tỷ USD, đợt IPO của VinFast sẽ là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Việt Nam. Trước đó, Vinhomes (cũng thuộc Vingroup) huy động về 1,4 tỷ USD từ bán cổ phần lần đầu năm 2018. Hiện Vingroup là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam với định giá đạt hơn 19 tỷ USD.
Với mức định giá 50 tỷ USD, vốn hoá thị trường của Vinfast sẽ đứng Top 13 thế giới, ngang với các ông lớn lâu đời trong ngành ô tô thế giới như Ferrari (vốn hoá 52 tỷ USD), Huyndai (51,22 tỷ USD), Honda (50,94 tỷ USD) và đứng trên nhiều ông lớn như Ford (49,41 tỷ USD), Volvo (48,73 tỷ USD). Một số công ty sản xuất oto trong khu vực như Kia (của Hàn Quốc) hiện đang có vốn hoá thị trường 30,68 tỷ USD, Suzuki Motor (Nhật) vốn hoá thị trường 21,95 tỷ USD hay Nissan (21,64 tỷ USD), thậm chí Mazda hiện nay vốn hoá thị trường chỉ có 5,4 tỷ USD.
Đơn vị: tỷ USD
Top 10 các công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới hiện nay là Tesla của Elon Musk (673,79 tỷ USD), Toyota (214,99 tỷ USD), Volkswagen (160,87 tỷ USD), Daimler (công ty mẹ của Mercedes Benz – 160,87 tỷ USD), General Motors (85,96 tỷ USD), BYD (công ty sản xuất ô tô Trung Quốc – 69,08 tỷ USD), BMW (68,4 tỷ USD), NIO (Trung Quốc – 60,85 tỷ USD), Stellantis (Hà Lan – 55,5 tỷ USD), Ferrari (52,16 tỷ USD).
Giá trị của NIO từ 4 tỷ lên mức đỉnh hơn gần 100 tỷ USD chỉ trong nửa năm
Mới đây, trên hãng truyền hình Mỹ CNN, hình ảnh VinFast hiện lên đặc biệt ấn tượng với slogan "Boundless Together" (Cùng bạn bứt phá mọi giới hạn), đan xen khéo léo với các hình ảnh trong cuộc sống thường nhật lẫn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đặc trưng của Việt Nam. Biểu tượng chữ V ẩn hiện trong tất cả các khung hình gợi mở, được lồng ghép tinh tế dưới các hình ảnh cánh quạt gió năng lượng, đàn chim bay, ruộng bậc thang…
Điều này cho thấy cuộc chơi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà bắt đầu hiện thực hoá tham vọng ra thị trường thế giới, mà cụ thể hơn là thị trường Mỹ - lãnh địa của các nhà sản xuất ô tô đình đám thế giới.
Bà Thái Thanh Hải - Tổng giám đốc VinFast chia sẻ với báo giới: "Tầm nhìn của VinFast là trở thành một công ty sản xuất ô tô điện thông minh toàn cầu và Mỹ là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên mà chúng tôi sẽ tập trung toàn lực. Ban đầu chúng tôi sẽ phát triển các mẫu cao cấp dành cho thị trường Mỹ".
Vinfast đã trở thành "một cuộc đổ bộ thần tốc" tạo nên điều diệu kỳ của Việt Nam. VinFast chuẩn bị cho ra mắt mẫu VF e35, phiên bản SUV với công nghệ lái tự động với hai bản xe điện và chạy xăng. Dự kiến Vinfast sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 9/2021, trong khi đó tại Mỹ, Canada và cả châu Âu vào tháng 11/2021. Xe sẽ được bàn giao vào tháng 2/2022 tại Việt Nam và tháng 6/2022 tại thị trường quốc tế.
"Chúng tôi mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam có danh tiếng tầm cỡ thế giới", tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Bloomberg trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở Vingroup (Hà Nội) vào cuối năm 2019.
"Đối với nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, lạc hậu. Chúng tôi sẽ phải tìm cách tiếp thị và chứng minh sản phẩm của chúng tôi đại diện cho một Việt Nam năng động và phát triển đã đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới", ông Phạm Nhật Vượng nói. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Vingroup dự kiến đầu tư vào khoảng 2 tỷ USD tài sản cá nhân và Vinfast sẽ phải chịu lỗ một vài năm.
Và ông Vượng đang dần hiện thực hoá những mục tiêu Vinfast đặt ra, chỉ sau 3 năm kể từ khi khởi công nhà máy trên diện tích 335 ha tại Hải Phòng.