Trong vài năm qua, Apple đã bán iPhone sản xuất ở Ấn Độ, AirPods từ Việt nam và máy Mac lắp ráp tại Malaysia cho người Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược đa dạng hoá hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc của Apple.
Hãng sử dụng chiến lược này như một biện pháp phòng ngừa cho chuỗi cung ứng khi công ty phải đối mặt với thuế quan của nhiệm kỳ đầu Tổng thống Donald Trump, các vấn đề liên quan đến Covid và tình trạng thiếu chip – đều là rủi ro công ty phải đối mặt khi chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc.
Có vẻ đây là một chiến lược chắc chắn, cho đến khi thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump cũng nhắm vào các quốc gia đó.
Apple dẫn đầu đà giảm trong số các cổ phiếu công nghệ hôm 3/4 sau khi tất cả điểm sản xuất thứ cấp của công ty đều nằm trong diện áp thuế do ông Trump công bố hôm 2/4. Cổ phiếu Apple giảm hơn 9% phiên giao dịch ngày 3/4, so với mức giảm 6% của Nasdap. Điều này đã xoá xổ hơn 300 tỷ USD vốn hoá thị trường của nhà sản xuất iPhone và hiệu suất tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
CEO Apple Tim Cook trong lễ ăn mừng nhậm chức của ông Donald Trump hôm 20/1.
"Khi bạn nhìn vào mức thuế đối ứng với các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, nơi Apple đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình, thì không có nơi nào để thoát ra", nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley nói với CNBC.
Để bù đắp cho thuế quan, Apple có thể phải tăng giá các sản phẩm của mình 17-18% tại Mỹ, Woodring ước tính. Nhưng vấn còn rất nhiều điều không chắc chắn về những gì Apple sẽ làm và cách Trung Quốc phản ứng trước Mỹ, Woodring cho biết thêm.
"Trong môi trường như thế này, bạn phải nghĩ đến kịch bản xấu nhất", ông nói. "Có vẻ mỗi bên đang trong kịch bản địa chính trị này đang cố gắng đào sâu hơn nữa".
Apple không trả lời yêu cầu bình luận về sự việc của CNBC.
Apple vẫn có thể được miễn trừ sản phẩm đối với thuế quan của Mỹ, tương tự cách họ điều hướng thuế quan với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhưng nếu không, thuế quan sẽ đe doạ hoạt động kinh doanh của họ.
Danh sách các nhà cung cấp của Apple – chiếm 98% chi tiêu cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp – tập trung nhiều vào các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của ông Trump.
Ấn Độ bị áp thuế 26%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%, Đài Loan 32%, Việt Nam 46% và Malaysia là 24%.
Ông Trump cho biết các mức thuế này nhằm mục đích đưa các hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Ông đặc biệt trích dẫn Apple trong thông báo của mình, nói rằng "họ sẽ xây dựng các nhà máy của mình tại đây". Apple đã sản xuất mẫu máy Mac Pro tại Texas, nhưng phần lớn quá trình lắp ráp cuối cùng của nó diễn ra ở nước ngoài.
Công nhân làm việc trong nhà máy của Foxconn ở Ấn Độ.
Khoản đầu tư trị giá 500 tỷ USD của Apple tại Mỹ, được ông Trump ca ngợi hôm 2/4, bao gồm kế hoạch mua linh kiện và chip từ các nhà cung cấp Mỹ, nhưng công ty vẫn chưa cam kết sản xuất tại Mỹ.
Đây được xem là lập trường lâu dài của Apple. Hồi 2011, cố CEO Steve Jobs đã nói với cựu Tổng thống Barack Obama rằng "những công việc đó sẽ không quay trở lại" khi được hỏi về iPhone sản xuất tại Mỹ. Các nhà phân tích đồng ý rằng điều đó sẽ không xảy ra vì sẽ rất tốn kém cho Apple nếu muốn đưa chuỗi cung ứng đến Mỹ.
"Thực tế là phải mất ít nhất 3 năm và 30 tỷ USD, theo ước tính của chúng tôi, để chuyển 10% chuỗi cung ứng của công ty từ châu Á sang Mỹ", nhà phân tích Dan Ives của Wedbush đã viết trong một lưu ý hôm 3/4.
Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến việc thuế đối ứng của ông Trump sẽ gây ảnh hưởng đến công ty thế nào. Hiện tại, các nhà phân tích đang cố gắng lập mô hình về cách Apple có thể cân bằng mức tăng giá sản phẩm so với tự gánh chịu các chi phí phát sinh. Apple không thường xuyên tăng giá sản phẩm khi ra mắt và dự kiến sẽ phát hành mẫu iPhone mới vào tháng 9 năm nay.