Đây là lần đầu tiên Fast Retailing trên cơ Inditex, công ty mẹ của Zara ở Tây Ban Nha. Inditex có vốn hóa thị trường vào khoảng 81,7 tỷ euro (99 tỷ USD) đến cuối ngày thứ Hai và 80,8 tỷ euro đến cuối ngày thứ Ba.
Giá cổ phiếu của Fast Retailing tăng đều đặn kể từ tháng 8 năm ngoái. Các cổ đông thích thú với chiến lược tập trung vào châu Á của công ty này, đặc biệt là Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân có nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Xu hướng thời trang thông dụng cũng phù hợp với thói quen nay đã thay đổi của người tiêu dùng là ăn mặc giản dị hơn khi làm việc từ xa.
Fast Retailing đã vận hành 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới tính đến tháng 11. 60% các cửa hàng nằm ở Châu Á, không tính Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau quốc gia mẹ với 791 cửa hàng. Tại quê nhà, Uniqlo sở hữu 815 cửa hàng. Nhưng biên lợi nhuận hoạt động tại Trung Quốc lại nhỉnh hơn, 14,4% so với 13%.
Trong khi đó, 70% cửa hàng của Zara nằm ở Mỹ và Châu Âu - những thị trường đã bị phong toả nhiều lần. Chỉ khoảng 20% cửa hàng của Zara mở tại châu Á.
Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao nỗ lực của Fast Retailing về chuyển đổi số. Công ty đã áp dụng khái niệm "bán lẻ tiêu dùng kỹ thuật số" vào năm 2016, liên quan đến việc phân tích dữ liệu từ các giao dịch mua hàng trực tuyến và thẻ thông minh gắn trên tất cả các sản phẩm. Fast Retailing đã hợp tác với Google và các công ty khác nhằm phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
"Chúng tôi đã đạt được vị trí mà chúng tôi xứng đáng là xếp hạng số 1 trong lĩnh vực may mặc", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing - Tadashi Yanai phát biểu vào đầu năm. Cổ phiếu của công ty gần đây đã tăng 7 phiên liên tiếp và lần đầu tiên vượt qua con số 100.000 yên.
Tuy nhiên, Fast Retailing vẫn ở vị trí thứ ba về doanh thu với khoảng 2 nghìn tỷ yên (18,9 tỷ USD) ở năm tài chính trước. Inditex dẫn đầu với 28,2 tỷ euro (34,1 tỷ USD) theo năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2020. Trong khi đó, H&M của Thụy Điển đứng thứ hai với 187 tỷ SEK (22,5 tỷ USD) theo năm tài chính tính đến tháng 11 năm ngoái.
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Fast Retailing ở mức 9% (số liệu tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính vào tháng 8 năm ngoái) trong khi tỷ lệ này của Inditex là 24%. Hệ số vòng quay hàng tồn kho trong 3 tháng của Fast Retailing thấp hơn 1,5 lần so với Inditex.
Hầu hết các cơ sở sản xuất của Inditex đều ở Tây Ban Nha. Công ty giảm thiểu khối lượng hàng tồn kho bằng cách sản xuất các sản phẩm phù hợp với dịch vụ hậu cần là vận tải hàng không, vốn được sử dụng để vận chuyển hàng hóa trong thời gian ngắn. Vì công ty có thể bán hết hàng mà không cần giảm giá nên lợi nhuận gộp được thu về khá dồi dào.
Fast Retailing cũng là đối thủ ngang tài ngang sức với Inditex về bán hàng trực tuyến, nơi quyết định sự tăng trưởng. Trong năm tài chính trước đó, công ty Nhật Bản đã nâng tỷ trọng bán hàng trực tuyến trong tổng doanh số bán hàng từ 11,3% lên 15,6%. Thương mại điện tử chiếm 14% doanh thu của Inditex vào năm 2019, công ty có kế hoạch nâng con số đó lên 25% vào năm tới.
Nhà phân tích Takahiro Kazahaya của Credit Suisse Securities (Nhật Bản) cho biết Fast Retailing có lợi thế hơn trong tương lai. Ông nói: “Xét về chỗ đứng ở châu Á, Fast Retailing đang dẫn đầu về tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.”
Inditex đang sở hữu 467 cửa hàng tại Trung Quốc. Tháng 10 năm ngoái, Zara đã khai trương cơ sở lớn nhất châu Á tại Bắc Kinh với hơn 3.000 mét vuông.
Sự tăng trưởng ở châu Á có thể sẽ quyết định giá trị thị trường của hai công ty trong tương lai.