Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) đang chìm trong khó khăn sau khi Youtube chấm dứt thoả thuận nội dung. Cổ phiếu của YEG của công ty vẫn không ngừng rơi.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 11/3, YEG lại giảm sàn phiên thứ 6 với mức giảm gần 11.900 đồng/cổ phiếu. Khối ngoại và trong nước bán ra lượng cổ phiếu lớn song bên mua luôn trong tình trạng "trắng" do đó cuối phiên chỉ 25.930 cổ phiếu được khớp.
Kể từ khi xảy ra sự cố Youtube chấm dứt thoả thuận hợp tác về nội dung, cổ phiếu YEG liên tục giảm sàn 6 phiên liền, thị giá giảm 35%, từ mức 242.000 đồng xuống 158.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá "bốc hơi" 2.700 tỷ đồng.
Sau nhiều nỗ lực "cứu giá" cổ phiếu nhưng bất thành như mua cổ phiếu quỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị mua 100.000 cổ phiếu…hôm 11/3, Yeah1 đã bán đi 100% vốn của ScaleLab, để bảo toàn vốn đầu tư và lợi ích cho cổ đông.
Văn bản phía Yeah1 ghi nhận, trước việc Youtube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1 (YEG) và các công ty con, đơn vị liên kết, Yeah1 đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định bán lại 100% cổ phần tại ScaleLab LLC cho các chủ sở hữu trước đây.
Đồng thời, Yeah1 cũng vừa ký kết xong thỏa thuận để bán lại 100% phần vốn tại ScaleLab cho các chủ sở hữu cũ với giá bán là 12 triệu USD có hiệu lực từ ngày 11/3/2019.
Chủ sở hữu ban đầu của ScaleLab, bao gồm Brenner Pass Investment Corp - đơn vị thuộc sở hữu và kiểm soát hoàn toàn bởi Giám đốc điều hành và người sáng lập của ScaleLab, David E. Brenner, đã mua lại tất cả các quyền đối với ScaleLab và sẽ toàn quyền kiểm soát ScaleLab ngay lập tức.
Trước đó, trong tháng 1/2019, Yeah1 thông báo vụ sáp nhập ScaleLab LLC vào công ty với giá trị 20 triệu USD (gồm 12 triệu USD trả ngay và thêm 8 triệu USD trả theo kết quả kinh doanh). Để thu xếp vốn liên quan đến việc mua lại ScaleLab, Yeah1 đã thực hiện mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn với giá trị gần 275 tỷ đồng và cầm cố tài khoản này để đảm bảo cho khoản vay 10 triệu USD với Ngân hàng Shinhan Singapore.
Cũng liên quan đến sự cố Youtube, Công ty Chứng khoán Tp. HCM (HSC), trong kịch bản xấu nhất là Yeah1 không đạt được một giải pháp với Youtube, thì Yeah1 Network, ScaleLab và Springme sẽ không còn là các nhà mạng MCN của Youtube và sẽ không được tiếp tục quản lý kênh của bên thứ ba.
Theo đó, Yeah1 sẽ mất hết doanh thu từ kênh thứ 2, từ ScaleLab, và sẽ phải trích lập hết và xóa khoản đầu tư vào ScaleLab, đồng thời hạch toán lỗ 12 triệu USD. Với những giả định trên, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Yeah1 sẽ giảm đến 83%.
Rõ ràng sau khi gặp sự cố lớn với Youtube như vậy, tại sao người chủ cũ của ScaleLab vẫn chấp nhận mua lại với giá 12 triệu USD là một dấu hỏi rất lớn trong giới tài chính.
ScaleLab có trụ sở tại Hollywood và hiện đang quản lý hệ thống gồm 1.750 nhân vật có tầm ảnh hưởng với hơn 400 triệu người theo dõi, đóng góp 3 tỷ lượt xem mỗi tháng cho Youtube. Công ty hoạt động rộng khắp các thị trường từ Mỹ, Mỹ Latinh, Nga và Trung Đông; cung cấp dịch vụ cho các nhà sáng tạo nội dung với hơn 10 ngôn ngữ khác nhau.
Trước đó, Yeah1 cho biết đã nhận được thông tin về việc Youtube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
CHSA là thoả thuận cho phép để các công ty được phép tuyển chọn và quản lý doanh thu quảng cáo trên Youtube từ các kênh youtube thứ 3.
Theo đó, Youtube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn.