Phiên giao dịch hôm nay lại là một phiên giao dịch đầy căng thẳng của những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Cổ phiếu HPG tiếp tục giảm gần 2.000 đồng tương ứng giảm gần 4% về 48.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày này tháng trước, HPG vẫn đang ở vùng giá 57.200 đồng/cổ phiếu trong niềm hân hoan của nhà đầu tư. HPG liên tục vượt đỉnh, liên tục báo lãi, liên tục ra tin tốt lành đã tạo nên kỳ vọng lớn cho giới đầu tư. Và, HPG được nhiều người gọi là "cổ phiếu quốc dân" khi mà ai không có cổ phiếu từng là "cổ phiếu vua" này dường như trở nên lạc điệu với làn sóng tăng phi mã của cổ phiếu thép. Ai không sở hữu cổ phiếu HPG trong danh mục thì có lẽ, nhiều người còn thấy lạ!
Niềm tin vào tương lai HPG của nhà đầu tư trên thị trường đã bị dội gáo nước lạnh khi mà cổ phiếu HPG giảm dần đều trong suốt một tháng ròng rã. Nếu so với mức giá của một tháng trước, cổ phiếu HPG giảm 16%. Với một cổ phiếu bình thường, mức giảm 16% có vẻ không phải là câu chuyện gì lớn nhưng với HPG-doanh nghiệp có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán-việc giảm 16% có nghĩa là vốn hóa của HPG đã bốc hơi hơn 41.000 tỷ đồng (Bốn mươi mốt nghìn tỷ đồng).
41 nghìn tỷ đồng vốn hóa bay hơi cũng đồng nghĩa với việc tài khoản của những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu HPG đã mất tổng cộng hơn 41 nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng.
Trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang miệt mài đặt niềm tin vào cổ phiếu thép HPG, khối ngoại đã ròng rã bán suốt nhiều tháng qua. Đặc biệt, ở vùng giá cổ phiếu HPG đang 52-58.000 đồng/cổ phiếu, khối ngoại đã nhanh tay chốt lãi khoản đầu tư vào HPG, để lại cổ phiếu đang ở vùng đỉnh cho những nhà đầu tư nội trong cơn say chứng khoán!
Khối ngoại ròng rã bán cổ phiếu HPG ở vùng đỉnh giá, để lại cổ phiếu chuẩn bị lao dốc cho những nhà đầu tư nội đang trong cơn say chứng khoán!
Lý giải nguyên nhân HPG lao dốc không phanh, một nhà đầu tư kỳ cựu nhận định rằng mấu chốt ở chỗ, HPG đang có khoản hàng tồn kho hơn 46.000 tỷ, tăng khoảng 20.000 tỷ so với đầu năm 2021. Lượng hàng tồn kho này "sinh ra" trong giai đoạn giá thép phế liệu, quặng sắt đều ở trong bong bóng và hoạt động sản xuất diễn ra trong giai đoạn giá than, giá dầu đều tăng phi mã.