Đóng góp vào đà tăng gần 50% kể từ vùng đáy cuối tháng 3/2020 của VN-Index có dấu ấn không nhỏ của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trên thực tế, giá trị của nhóm ngành bất động sản – xây dựng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiếm gần 28% tổng vốn hóa, xếp ở vị trí thứ hai sau nhóm tài chính - bảo hiểm, gần 32%.
Vingroup và Vinhomes góp hơn một nửa giá trị vốn hóa toàn ngành. Hai công ty cũng đang xếp thứ 1 và thứ 3 về giá trị trên thị trường, lần lượt 367 nghìn tỷ đồng và 334 nghìn tỷ đồng. Vingroup là công ty mẹ sở hữu 72,33% cổ phần tại Vinhomes.
Một thành viên khác của nhà họ Vin, Vincom Retail xếp thứ 4 nhóm ngành, nhà phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam vốn hóa 75.441 tỷ đồng. Chỉ có Novaland chen chân vào sự thống trị này, Novaland xếp thứ 3, giá trị 78.451 tỷ đồng.
Giá trị thị trường tính đến ngày 26/2/2020
Sự chú ý đặc biệt đổ dồn về Thaiholdings, công ty của "bầu" Thụy niêm yết hồi giữa năm ngoái, tăng giá gấp 10 lần kể từ tháng 11, hiện có thị giá 201.000 đồng.
Vốn hóa của Thaiholdings đạt 70.350 tỷ đồng, tức hơn 3 tỷ USD. Năm 2020, doanh thu của công ty này 1.821 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.267 tỷ đồng. Nhưng lợi nhuận phần lớn đến từ hoạt động khác, lên tới 1.135 tỷ đồng. Phần lãi này do bán dự án nhà máy xi măng Thạnh Mỹ.
Nhà phát triển bất động sản và khu công nghiệp Becamex đạt mức vốn hóa trên 59.500 tỷ đồng, xếp trên Phát Đạt gần 25.000 tỷ đồng là những công ty giá trị tỷ đô trong ngành.
Nhóm xếp tiếp theo so kè khá quyết liệt, lần lượt Vinaconex, Kinh Bắc City, Khang Điền đạt giá trị từ 18.000 – 19.000 tỷ đồng.
Vefac (VEF), một công ty con khác của Vingroup vốn hóa 17.100 tỷ đồng.
Ngoài trường hợp đột biến của Thaiholdings, Novaland, Becamex và Phát Đạt là ba cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong một năm qua, gấp gần 3 lần.
Viglacera tăng 141%, Vinaconex tăng 96%, Khang Điền cũng tăng 62%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ Vin có màn trình diễn kém ấn tượng nhất. Lần lượt Vinhomes, Vincom Retail và Vingroup tăng giá 41%, 37% và 18%.