Phiên giao dịch ngày 29/10, thị trường chứng khoán Việt chìm trong sắc đỏ, các chỉ số giảm sâu. Cụ thể VN-Index giảm 12 điểm xuống 888,8 điểm, còn HN-Index giảm 0,6 điểm xuống 101 điểm.
Đây là phiên giảm điểm liên tiếp thứ 8 của VN-Index. Chỉ trong 8 phiên, VN-Index đã giảm tổng cộng 75 điểm, tương ứng vốn hoá của HOSE giảm 238.000 tỷ đồng.
Chứng khoán Việt tháng 10 biến động mạnh khi đồng loạt các chỉ số giảm sâu. Tính từ đầu tháng 10 đến kết thúc phiên 29/10, VN-Index đã giảm 124 điểm. Vốn hoá của HOSE đã "bốc hơi" 385.000 tỷ đồng (16,4 tỷ USD). Trong đó, nhiều phiên giảm sâu như phiên ngày 11/10, VN-Index mất hơn 48 điểm, ngày 15/10 giảm 18 điểm, 5/10 giảm 15 điểm, 24/10 giảm 17 điểm...
Hàng loạt các mã chứng khoán lớn - nhỏ giảm giá sâu nhuộm đỏ thị trường chứng khoán tháng 10. Cụ thể, cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes giảm từ 82.480 đồng/cổ phiếu xuống còn 61.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng mất giá 25%. Cổ phiếu VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail cũng giảm 5.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng FLC Faros giảm 3.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Thế giới Di động giảm 22.600 đồng/cổ phiếu, mất giá 17,7%; MSN (Tập đoàn Masan) giảm 17.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá bốc hơi 16,7%. GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam cũng giảm 22.600 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu khác cùng chung đà giảm là HPG giảm 3.550 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 2.300 đồng/cổ phiếu, HAG, HNG, FLC…
Bất chấp kết quả kinh doanh tốt, sắc đỏ vẫn phủ kín cổ phiếu ngân hàng trong tháng 10: VCB giảm 8.800 đồng/cổ phiếu, BID giảm 5.850 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 4.950 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 6.000 đồng/cổ phiếu,…
Tuy nhiên, một thông tin khá tích cực theo dữ liệu của HOSE là khối ngoại vẫn mua ròng dù chỉ số giảm mạnh. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 9.600 tỷ đồng trong tháng.
Trên sàn HNX, trong tháng 10, chỉ số HNX-Index giảm 14 điểm, tương ứng giảm 13,3%. Vốn hoá HNX giảm khoảng 14.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng hai sàn, trong tháng 10, vốn hoá đã "bốc hơi" 399.000 tỷ đồng (trên 17 tỷ USD). Trong đó, hầu hết các mã cổ phiếu trụ cột có xu hướng giảm: SHB, ACB, PVS, VGC, PVI, DBC…
Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định nên giới chuyên gia vẫn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm là do tác động từ chứng khoán thế giới, điển hình là Mỹ, Nhật, Trung Quốc… Trong khi đó, thông tin chứng khoán Việt được FTSE xem xét vào danh sách nâng hạng, kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp lớn khả quan cũng không cứu vớt được chỉ số đang lao dốc.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt khó khăn, ngày 29/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình trước Quốc hội, theo đó, ông cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán, không gây ra biến động trên thị trường chứng khoán nhưng vẫn giữ ổn định luồng vốn đầu tư vào thị trường.
Khi thị trường có diễn biến đột xuất, các bộ ban ngành liên quan công bố các thông tin để củng cố lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường.