Qua gần 2 năm triển khai, TP HCM đã hỗ trợ một số doanh nghiệp (DN) đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nhà xưởng… tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Ông TRỊNH MAI HÙNG, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, cho biết thêm:
- Chương trình kích cầu đầu tư của TP nhằm kích thích DN đầu tư vào ngành, lĩnh vực mà TP ưu tiên phát triển. Trong đó, nhà nước hỗ trợ DN trong nước có điều kiện đầu tư mới thiết bị công nghệ để làm sản phẩm đạt yêu cầu cung ứng đến DN lắp ráp đầu cuối, góp phần đưa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ TP tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình thức là hỗ trợ các dự án đầu tư một phần lãi vay theo ngân sách TP.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm chuyên ngành ở TP HCM. Ảnh: THANH NHÂN
Đến nay, có 24 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ được UBND TP phê duyệt tổng mức đầu tư gần 1.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 1.000 tỉ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
Cần nói thêm chính sách đầu tư của TP đã tạo điều kiện cho DN mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. DN đã vươn lên tạo thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2, cấp 3… đóng góp vào doanh thu xuất khẩu tại chỗ của TP.
24 dự án được phê duyệt có quá ít so với tổng số 1.500 DN tiếp cận chương trình?
- Trong gần 2 năm qua, Sở Công Thương TP đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP tuyên truyền, phổ biến chính sách trực tiếp lẫn gián tiếp đến DN. 1.500 lượt DN, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu.
Nhìn chung, DN có nhiều thuận lợi khi tiếp cận chương trình nhưng cũng có một số khó khăn vướng mắc về điều kiện tham gia. Chẳng hạn, về vốn đầu tư, đa số DN công nghiệp hỗ trợ quy mô nhỏ và vừa, thiếu vốn, không có tài sản thế chấp nên các tổ chức tín dụng không duyệt cho vay. Để tham gia chương trình kích cầu đầu tư, DN phải có dự án đầu tư mới 100% máy móc thiết bị, nhà xưởng. Dự án này phải được ngân hàng (NH) thẩm định và đồng ý cho vay - đây là điều kiện quan trọng nhất vì chương trình chỉ hỗ trợ một phần lãi vay của TP, một phần là lãi vay của NH. DN được vay vốn, hằng năm TP sẽ căn cứ vào giải ngân của NH để hỗ trợ một phần lãi vay.
Bên cạnh đó, khó khăn về năng lực quản lý dự án. Từ khi thành lập DN, thành lập dự án, chờ phê duyệt của UBND TP và đến khi triển khai dự án là thời gian khá dài. Trong quá trình đó, DN có thể có những thay đổi về máy móc thiết bị cho phù hợp với thực tiễn, gây mất thời gian điều chỉnh. Bên cạnh đó, TP có quy hoạch đất cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhưng chưa phù hợp với nhu cầu của DN…
.Vậy theo ông, giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, giúp nguồn vốn hỗ trợ đến với DN hiệu quả hơn?
- Trước hết, để DN mạnh dạn tham gia chương trình cũng như mạnh dạn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo thì Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ thông qua Sở Công Thương TP đã trình UBND TP một số giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới. Cụ thể, tham mưu bố trí quỹ đất cho công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các cụm công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Song song đó, TP tiếp tục tổ chức kết nối DN với NH để giải quyết vốn đầu tư cho DN; tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của TP; đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…