Grab và Gojek đều được những cử nhân của Trường Kinh doanh Đại học Harvard sáng lập trong cùng 1 năm. Cả 2 công ty đều phát triển ứng dụng với hơn 100 triệu lượt tải xuống. Cả 2 đều bắt đầu kinh doanh bằng lĩnh vực gọi xe và sau đó phát triển sang các lĩnh vực logistics khác, như giao hàng và đặt đồ ăn. Dù lĩnh vực kinh doanh chính là gọi xe và logistics nhưng hai "chú kỳ lân" này đã mang dịch vụ tài chính đến với những khu vực "unbanked" (những nơi người dân không có tài khoản ngân hàng hoặc vì lý do nào đó mà họ không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông).
"Kỳ lân" lớn tuổi hơn là Gojek, cái tên xuất phát từ "ojek", tiếng Indonesia có nghĩa là "xe ôm". Được thành lập năm 2010, đến năm 2018 công ty này đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước bên ngoài Indonesia. Hiện tại, Gojek cũng được đón nhận tích cực tại Việt Nam, Thái Lan và "bước chân" vào Singapore từ tháng 1 năm nay - nơi công ty đối thủ đặt trụ sở.
Grab được thành lập ở Malaysia vào năm 2012 nhưng lại trở thành công ty đa quốc gia sớm hơn Gojek. Năm ngoái, Grab đã "vượt mặt" Gojek khi tuyên bố mua lại 27,5% cổ phần của Uber ở Đông Nam Á, tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực này. Hiện tại, Grab và Gojek đang cùng hoạt động ở 4 quốc gia và Campuchia, Malaysia, Myanmar và Philippines. Lợi thế của Gojek trong cuộc chiến này đó chính là "quê nhà" Indonesia, với lượng người dùng là 265 triệu, tương đương 2/3 dân số.
Thời gian đầu, 2 ứng dụng này chỉ đơn giản là giúp khách hàng và tài xế liên hệ với nhau, phương thức thanh toán là tiền mặt. Bởi 75% đến 80% người dân Đông Nam Á đều không sử dụng tài khoản ngân hàng, nên việc phát triển hình thức thanh toán không tiền mặt đòi hỏi lối tư duy phi tuyến tính (lateral thinking). Ý tưởng của họ đến từ cách các kiốt và cửa hàng tiện lợi bán thẻ điện thoại. Hiện tại, các tài xế còn làm việc với tư cách là "trạm" nạp tiền trên điện thoại di động trong ứng dụng của khách. Khách hàng có thể trả thêm tiền mặt và yêu cầu tài xế đưa số tiền thừa vào số dư trong ứng dụng của họ.
Gần đây, Grab và Gojek đã triển khai ví điện tử (digital wallet), khách hàng có thể nạp tiền mặt từ các bên thứ 3. Hơn nữa, họ còn đăng ký với các nhà bán lẻ để sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR trên ứng dụng. Các kiểu thanh toán này đều được sử dụng cho tất cả các hình thức mua hàng, không chỉ là các dịch vụ được cung cấp thông qua ứng dụng của họ.
Trở ngại lớn nhất đối với mỗi công ty (ngoài các đối thủ) là việc các nhà bán lẻ khá chậm chạp trong việc chấp nhận hình thức thanh toán này. Tăng tốc độ triển khai tức là thuyết phục các nhà bán lẻ rằng những lựa chọn thanh toán, đặt hàng mới sẽ tăng lợi nhuận cho họ. Grab cho biết trung bình lượng người dùng thực hiện giao dịch không sử dụng tiền mặt cao gấp 2 lần so với khách hàng thanh toán bằng tiền mặt. Hơn nữa, 30% người dùng có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ của Grab hơn số người chỉ dùng một dịch vụ.
Reuben Lai, giám đốc điều hành cấp cao của Grab Financial, bộ phận quản lý hoạt động thanh toán của Grab, cho biết: "Bạn sẽ thấy lượng giao dịch đối với dịch vụ giao đồ ăn của chúng tôi, ở đây là Grab Food tăng 20-30%, chi phí thậm chí còn thấp hơn nếu sử dụng Grab Pay."
Cả 2 công ty đều đang "lấn sân" sang các dịch vụ tài chính khác, ví dụ như cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và bảo hiểm vi mô. Họ có thể sử dụng dữ liệu giao dịch để thiết lập điểm tín dụng và nhận thanh toán từ ví của ứng dụng, giảm nguy cơ vỡ nợ. Ông Lai nói thêm: "Tham vọng của chúng tôi là xây dựng một 'ví' chung tại ASEAN, cho phép người tiêu dùng mua bất kỳ thứ gì, trực tuyến hay ngoại tuyến, và truy cập bất kỳ dịch vụ tài chính nào, mọi lúc, mọi nơi."
Cũng như Ant Financial, Grab và Gojek khẳng định rằng muốn hợp tác với các ngân hàng truyền thống. Theo Aldi Haryopratomo - giám đốc điều hành mảng Go-Pay của Gojek, cách hiểu đúng về mảng thanh toán của họ đó là "một cầu nối giữa những người không có điều kiện sử dụng các dịch vụ tài chính và những người muốn cung cấp dịch vụ cho họ." Ông nói thêm, điều khó khăn nhất trong công việc của ông là thuyết phục các ngân hàng rằng Go-Pay là một đối tác tiềm năng, chứ không phải mối đe doạ.
Nếu những "gã khổng lồ" lĩnh vực gọi xe của Đông Nam Á đạt được tham vọng của họ, thì những ngân hàng địa phương có thể sẽ không bao giờ phát triển để trở thành một ngân hàng bán lẻ toàn diện, như ở các quốc gia phát triển. Họ có thể tiếp tục hoạt động nhờ vào khách hàng giàu có và doanh nghiệp lớn, trong khi những khách hàng khác vẫn sẽ tìm đến các sản phẩm được tích hợp trên nền tảng di động, kết hợp dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác.