Ngoài cho vay margin, nhiều công ty chứng khoán đang cung cấp nghiệp vụ repo cổ phiếu.
Chẳng hạn với các ngân hàng, bên cạnh dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân, bao gồm cầm cố chứng khoán, bản thân ngân hàng là những nhà đầu tư lớn. Thời gian qua, kinh doanh chứng khoán đầu tư giúp nhiều ngân hàng ghi lợi nhuận lớn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, một số ngân hàng vẫn tăng cường hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhưng phần lớn vẫn là các khoản đầu tư dài hạn vào các loại giấy tờ có giá, ít rủi ro, như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lớn.
Hoạt động đầu tư trên góp phần tạo vốn mồi lẫn thanh khoản thứ cấp trực tiếp cho thị trường vốn, đặc biệt trái phiếu Chính phủ và TPDN.
Trong khi đó, ở công ty chứng khoán, ngoài cho vay margin để nhà đầu tư ký quỹ "đánh" chứng khoán, có những nghiệp vụ khác cấp vốn cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như với repo cổ phiếu, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu cho công ty chứng khoán và cam kết mua lại với mức giá thỏa thuận vào thời điểm nhất định trong tương lai. Qua đó, vốn ban đầu khi thực hiện hợp đồng repo sẽ là khoản vốn "theo hệ số nhân". Như vậy, các công ty chứng khoán có thị phần và lợi nhuận mà gần như không phải thu xếp gì ngoài… vốn mồi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu quỹ, cũng thực hiện nghiệp vụ tương tự, hoặc cầm cố hoặc repo để giải quyết bài toán vốn ngắn hạn, hay đầu tư tài chính…
Tỷ lệ từ vốn mồi đến "nhân lên nhiều lần vốn hóa" theo những cách thức này hiện chưa thể thống kê đầy đủ. Do đó, dư nợ của đầu tư cho vay chứng khoán từ các TCTD chỉ là một phần nguồn vốn trên thị trường chứng khoán. Margin cũng tương tự và nếu chỉ dựa vào các tỷ lệ này để đánh giá mức độ rủi ro của thị trường, sẽ chưa thể toàn diện.