Đây là con số đáng chú ý vừa do quỹ mạo hiểm Cento Ventures trụ sở Singapore công bố. Diễn biến này khá bất ngờ bởi xét tổng thể toàn khu vực Đông Nam Á vẫn thu hút được lượng vốn vẫn xấp xỉ năm 2019, nhưng tỷ trọng vốn vào Việt Nam lại bị thu hẹp.
Lượng vốn mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam năm xảy ra đại dịch đạt gần 330 triệu USD, chiếm tỷ trọng chỉ 4% trong khu vực Đông Nam Á, giảm hơn 5 lần so với năm 2019, theo báo cáo từ quỹ Cento Ventures.
Thực tế không ít startup Việt cũng đã phải ngừng hoạt động hoặc phá sản trong năm qua, với lý do chung là không thể gọi được vòng vốn mới để tiếp tục hoạt động, trong khi COVID-19 khiến chi phí phải gồng gánh vượt ngưỡng chịu đựng.
"Nếu không kỳ vọng vào vốn đầu tư mà dựa vào sức mình, làm đâu chắc đó như 7 năm trước thì có lẽ đã không để xảy ra điều đáng tiếc", chị Vũ Thị Thùy Linh, CEO startup Lamita, bình luận.
Lượng vốn mạo hiểm đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam năm xảy ra đại dịch đạt gần 330 triệu USD. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cũng theo báo cáo của Cento Ventures, điểm đáng chú ý là lượng vốn đổ vào các startup đã lớn, với giá trị từ 50 triệu USD mỗi vòng vốn thì tăng, trong khi vốn đổ vào các startup nhỏ hơn lại giảm. Số thương vụ vào các startup nhỏ trong khu vực cũng giảm 15% theo năm.
Giới đầu tư lý giải, startup càng mới thì càng bất lợi khi gọi vốn mạo hiểm chủ yếu là từ nước ngoài bởi đại dịch làm giao thương quốc tế đình trệ.
"Thông thường nhà đầu tư phải đến tận nơi gặp các founder để thẩm định, khi đó họ mới đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy, khi đại dịch xảy ra, việc đi lại bị hạn chế, cơ hội để các startup Việt Nam tiếp cận vốn nước ngoài càng ngày càng khó khăn", ông Dzũng Nguyễn, Đồng sáng lập Do Ventures, nhận định.
Theo giới quan sát, một nguyên nhân khác là do lượng startup công nghệ định giá từ 100 triệu USD của Việt Nam còn ít. Nhiều cái tên trong số này đã vừa gọi vòng vốn mới thời điểm cuối năm 2019 nên chưa đến lúc gọi tiếp vốn trong năm 2020, cũng khiến ảnh hưởng đến tổng thể lượng vốn.
Tuy nhiên bối cảnh nguồn vốn ngoại chậm lại, có thể tạo thời cơ cho các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn trong nước tăng đầu tư cho các startup nội. Chỉ vài tháng đầu năm nay, hàng chục triệu USD đã được nhóm doanh nghiệp lớn Việt Nam công bố rót vào startup, một diễn biến hiếm gặp trước khi dịch xảy ra.