Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay.
Nghịch lý có tiền không tiêu được
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 22/9, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. |
Thứ nhất, việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay.
Thứ hai, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.
Thứ ba, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay. Thứ tư, các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi…
Đề cập đến kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết phát hiện nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ông Ngô Tân Phượng, Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh |
1 đồng vốn ngân sách nhà nước có thể giúp thu hút 7-8 đồng vốn đầu tư toàn xã hội. |
TS. Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV cho rằng: Việc giải ngân vốn đầu tư công có đạt được so với kế hoạch hay kém hiệu quả không chỉ do những nguyên nhân khách quan như: cơ chế chính sách về quản lý đầu tư; quy hoạch đầu tư…mà còn do một số nguyên nhân chủ quan như: năng lực lập, thẩm định, phê duyệt dự án; phương thức huy động, bố trí, phân bổ vốn; tổ chức thi công xây dựng lắp đặt…
Một trong những giải pháp được ông Hoàng Phú Thọ đề cập, là rà soát, điều chỉnh, các quy định hiện hành để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019.
Ngoài ra, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể nếu để xảy ra sai phạm; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu.
Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong chấn chỉnh đầu tư công. |
Chặn thất thoát, ngăn ngừa tiêu cực
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, việc nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn cũng là điều luôn phải lưu ý. Trong đó, vai trò của Kiểm toán Nhà nước là đặc biệt quan trọng.
Qua kết quả kiểm toán từ năm 2018 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công tại một số dự án đầu tư, chương trình mục tiêu của một số Bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng quy định; phê duyệt chủ trương đầu tư chưa phù hợp.
Ngoài ra, việc lập và phê duyệt tổng mức đầu tư nhiều dự án chưa chính xác, phải điều chỉnh quy mô, bổ sung hạng mục công trình, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần; xác định giá trị khoản vay ban đầu chưa chính xác…
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ: Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý và sử dụng ngân sách nói chung và vốn đầu tư công nói riêng. Kiểm toán Nhà nước cung cấp thông tin xác thực, toàn diện tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách của địa phương, giúp tỉnh kịp thời quán triệt và có những biện pháp chấn chỉnh những bất cập, hạn chế.
Ngoài việc phát hiện các hành vi vi phạm và kiến nghị xử lý thu hồi vốn, tài sản về ngân sách nhà nước, ông Vinh cho rằng: Các kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giúp các đơn vị rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục, sử dụng vốn ngân sách đúng mục đích, đúng quy định; ngăn ngừa được những tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản; góp phần làm cho nguồn lực ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng: Kiểm toán Nhà nước không chỉ giúp chỉ rõ đúng sai, làm minh bạch nền tài chính công, tài sản công, mà còn là cơ quan tư vấn, do đó, Kiểm toán Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tham gia vào kiểm toán sớm, ngay từ quá trình chuẩn bị thực hiện dự án.
“Bởi vì, nhiều vi phạm có thể nảy sinh ngay từ quá trình chuẩn bị dự án, việc phát hiện sớm vi phạm sẽ giúp cho việc triển khai dự án sau này được thuận lợi, theo đúng quy định pháp luật”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Lương Bằng