Trong nhiều năm qua, mặc dù môi trường kinh doanh đã có cải thiện đáng kể, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn là khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp khởi nghiệp “đói” vốn
Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện tại vẫn có đến 60% các DNNVV vẫn chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng; phần lớn trong số này là không tiếp cận được, hoặc không sử dụng nguồn vốn khác. Đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có vốn, tài sản thế chấp mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh.
Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hùng Hải cho rằng, các tổ chức tín dụng khi cho vay cần tính đến các rủi ro, nhưng để vay được nguồn vốn ngân hàng là điều rất khó. Bởi rất ít các tổ chức tài chính chấp thuận hàng hoá nguyên liệu trong kho của công ty làm tài sản đảm bảo vay vốn.
Nhiều DNNVV hoạt động khó khăn và để lỡ nhiều hợp đồng lớn khi gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
|
Còn theo ý kiến của bà Dương Thu Ánh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Kinh Bắc, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn vay bởi quy mô nhỏ, năng lực tài chính cũng như tài sản đảm bảo còn hạn chế nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gần như là “bất khả thi”.
“Khó vay vốn ngân hàng nên doanh nghiệp thường phải tìm đến các quỹ tín dụng đen với lãi suất cao khiến chi phí gia tăng và làm đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Nhiều DNNVV khác hiện cũng vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng”, bà Ánh chia sẻ.
Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt cũng cho biết, việc mở rộng đối tác và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Nhưng bài toán về vốn vẫn luôn “kìm chân” doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp cần huy động nguồn vốn lớn cho những đơn hàng xuất khẩu, vì thiếu vốn nên đã tuột mất nhiều hợp đồng có giá trị.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Sông Hồng bày tỏ, các DNNVV như của ông phần lớn hoạt động bằng nguồn vốn liên kết từ các mối quan hệ thân thiết. Do đó, khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, doanh nghiệp buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".
Cần có phương thức cho vay mới
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ nguyên nhân của thực trạng này, đó là khi Nhà nước còn nhiều khuôn khổ chính sách, nên chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng còn thờ ơ trong quan hệ với khách hàng là DNNVV, vẫn cho vay bằng việc thế chấp để đảm bảo an toàn. Trong khi nền kinh tế số và khởi nghiệp với các dự án đầu tư nông nghiệp không có nhiều tài sản, hiện vật để vay. Các dự án và ý tưởng kinh doanh là nguồn lực quan trọng lại ít được coi là căn cứ để cấp tín dụng.
“Trong số gần 700.000 DNNVV, siêu nhỏ thì phần lớn đều không có tài sản thế chấp. Bản thân các doanh nghiệp này cũng thiếu minh bạch trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các phương án kinh doanh ít khả thi. Đây là lý do để các thiết chế tài chính và tín dụng không mặn mà với các đơn vị này”, ông Lộc phân tích.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
|
Vì thế theo ông Vũ Tiến Lộc, nhà nước cần có cải cách mạnh mẽ hơn về khung khổ chính sách, pháp luật, thúc đẩy cho vay DNNVV, khởi nghiệp, phù hợp với công nghiệp 4.0, khuyến khich sáng tạo, có chính sách mới về đất đai, để thúc đẩy cho vay, tài chính cho khu vực này.
Đối với phía ngân hàng, cần nỗ lực hơn trong đưa ra phương thức cho vay mới, gói cho vay hướng đầu tư cho khởi nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, căn cứ vào ý tưởng phương án kinh doanh. Cùng với đó, các tổ chức tài chính, tín dụng, bảo hiểm cần có sự tương tác nhiều hơn trong việc hỗ trợ DNNVV.
“Phương thức cho vay của ngân hàng hiện nay phải hướng tới theo kiểu may đo, chứ không thể là may sẵn và khuyến khích cho vay theo chuỗi giá trị, cung ứng một cách linh hoạt hơn. Các DNNVV phải thiết kế hệ thống quản trị minh bạch, nâng cao kiến thức xây dựng phương án kinh doanh...”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, trong các hình thức tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cần lưu ý và tính đến những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính... Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Về phần mình, các DNNVV cũng nên cải thiện minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược cũng như tài chính./.
Chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn rất hạn chế. Tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017./.