Mà cái khó lớn nhất là giá cá nguyên liệu. Trong tháng 7, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã tụt xuống chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, và hiện cũng đang ở mức khoảng 20.500 đồng/kg, đều ở dưới giá thành khá xa.
Người nuôi nếm trái đắng
Khó khăn của cá tra, trước hết đến từ nguyên nhân khách quan là xuất khẩu cá tra sang Mỹ bị sụt giảm mạnh do Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế chống bán phá giá trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6/2019, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh tới 40,8%.
Bên cạnh đó, một thị trường lớn khác là Trung Quốc cũng tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn hẳn so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 26,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng ở Nam Mỹ như Brazil, Colombia… cũng giảm.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất lại đến từ việc do giá cá tra nguyên liệu năm 2018 quá cao, quá hấp dẫn, nhiều người lại đổ xô vào nuôi cá tra. Điều này khiến cho trong nhiều thời điểm của năm 2019, sản lượng cá tra thu hoạch cao hơn nhiều so với nhu cầu, khả năng thu mua của các doanh nghiệp.
Bởi vậy, từ đầu năm đến nay, đã có không ít lần giá cá tra giảm xuống dưới giá thành khá nhiều. Nuôi cá tra cần vốn đầu tư rất lớn. Do đó, chỉ cần giá cá nguyên liệu giảm xuống dưới giá thành một chút là người nuôi đã lỗ nặng. Đằng này, đã có những thời điểm giá bán cá tra thấp hơn giá thành 3.000 - 5.000 đồng/kg, đủ thấy người nuôi cá tra trong năm nay đang nếm trái đắng như thế nào.
Đây không phải là lần đầu tiên giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh vì cung vượt cầu. Trong quá khứ, đã có không ít lần như vậy, mà đỉnh điểm là khủng hoảng dư thừa cá tra năm 2008 với tổng sản lượng 1,1 triệu tấn, vượt quá nhu cầu chế biến và tiêu thụ. Trong đó, có không ít lần nguyên nhân là bởi người ta đổ xô vào nuôi cá tra vì thấy loài cá này đang cho lợi nhuận khá hấp dẫn.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Xem ra, nghề nuôi cá tra năm nay lại đi vào vết xe đổ: Giá cá nguyên liệu hấp dẫn - dân đổ xô vào nuôi - sản lượng tăng cao - cung vượt cầu - giá cá nguyên liệu giảm mạnh xuống dưới giá thành - nhiều người nuôi thua lỗ nặng, bị phá sản - vụ sau hàng loạt người treo ao, bỏ nuôi - sản lượng giảm mạnh - giá cá nguyên liệu lại tăng lên cao - nhiều người lại đổ xô vào nuôi…
Một điều rất đáng suy ngẫm là nếu như trong những ngành hàng nông sản khác, vẫn có không ít hộ sản xuất nhỏ, thì nuôi cá tra, với đặc thù vốn đầu tư rất lớn, giờ đây hầu như chỉ còn toàn những người có tiền tham gia. Thông thường, với những người có tiền, khi đầu tư vốn lớn vào sản xuất, sẽ phải tính toán kỹ càng hơn hẳn so với những hộ sản xuất nhỏ. Vậy mà đáng tiếc thay, không ít người vẫn chưa ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.
Vòng luẩn quẩn của cá tra cũng là vòng luẩn quẩn mà nhiều ngành hàng nông sản Việt Nam đang vướng phải. Cứ thấy được giá là đổ xô vào nuôi, trồng, khiến cho sản lượng tăng lên mạnh trong một thời gian ngắn, rồi giá cả lại giảm mạnh xuống, làm cho nhiều người thua lỗ, trắng tay.
Năm 2008, khi xảy ra khủng hoảng dư thừa cá tra, việc nuôi cá tra có hợp đồng bao tiêu sản phẩm (sau này được nâng lên thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị), đã được nêu lên một cách mạnh mẽ, từ tiếng nói của các chuyên gia, hiệp hội, tới văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Đến nay, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn đang là một yêu cầu cấp thiết không chỉ trong ngành hàng cá tra mà với cả các ngành hàng nông sản khác, vì tỷ lệ người sản xuất tự phát, chưa theo chuỗi liên kết còn khá nhiều.
|