Mừng cho doanh nghiệp nông nghiệp
Thống kê của Tổng Cục thống kê cho hay, trong tháng 01/2021, cả nước có 10.091 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ý là 155,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21,9% về số doanh nghiệp, tăng 25,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 02/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng giảm 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 85,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18.129 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm còn có 11.033 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng mừng là 2 tháng đầu năm nay có 316 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; 4.930 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 5,6%; 12.883 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 3%. Trong đó, các doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục gia tăng ở các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, nước, ga; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; kinh doanh bất động sản; khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; vận tải kho bãi; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; xây dựng với mức tăng giao động từ 0,2 – 60,7%.
Ốm đau, dưỡng bệnh và biến mất
Lúc bình thường của thị trường thì việc ốm đau, dưỡng bệnh hay biến mất khỏi thị trường của doanh nghiệp cũng là chuyện bình thường. Trong vòng quay sinh tử của doanh nghiệp thì ở thời kỳ khủng hoảng của đại dịch covid 19, số ốm đau, dưỡng bệnh, biến mất lớn hơn số được sinh ra cũng không có gì lạ. 2 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có 21.636 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 8.380 doanh nghiệp giảm 10,7%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 doanh nghiệp, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 28,5%.
Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1.335 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 438 doanh nghiệp; xây dựng có 305 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 226 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 199 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 178 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản và vận tải, kho bãi đều có 167 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 138 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 113 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas 80 doanh nghiệp.
7 hành động cần làm của CEO doanh nghiệp trong khủng hoảng covid
Theo một nghiên cứu tổng kết của PWC thì có 3 trụ cột để phản ứng hiệu quả với khủng hoảng covid mà CEO của bất kỳ doanh nghiệp phải làm cho được là: huy động - ổn định - lập chiến lược. Thông điệp rất rõ là ở thời kỳ khủng hoảng, CEO phải tính toán huy động các nguồn lực có thể để đối phó; duy trì sự ổn định hoạt động của công ty, nhất là lực lượng lao động tay nghề cao trong khả năng cho phép; chiến lược của công ty lúc này cần được tính toán thiết kế lại tỷ mỷ hơn, ưu tiên cho sự tồn tại vượt qua khủng hoảng. Tính toán của WB thì đại dịch SARS diễn ra trong 9 năm gây thiệt hại kinh tế thế giới khoảng 40 tỷ USD, tuy nhiên đại dịch covid chắc chắn lớn hơn rất nhiều 3, 4 lần hoặc có thể hơn.
Nhãn tiền nhất là cuộc khủng hoảng tài chính từ 2008, đến nay đã hơn 10 năm kinh tế thế giới mới vừa phục hồi đôi chút. NHTW các nước đã bơm tiền bằng các gói kích thích liên tục, vừa mới tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ thì lại chìm vào khủng hoảng khi đại dịch Covid 19 xuất hiện. Tổng cầu suy giảm, các cửa hàng đóng cửa, du lịch đình trệ, hàng không tê liệt…rõ ràng mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng. PWC đã đưa ra lời khuyên 7 hành động mà công ty làm ngay khi khủng hoảng Covid hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra.
Một là, ưu tiên hàng đầu là xác định chính xác vị trí của nhân viên và bao nhiêu công nhân ở các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng hoặc dễ bị tổn thương. Có cần phải hồi hương không? Liệu họ có yêu cầu làm việc tại nhà? Kế hoạch thực hiện phúc lợi trong năm với nhân viên cần tính toán lại không?
Hai là, xem xét đánh giá lại khủng hoảng mức độ ảnh hưởng của nó đến ngành nghề công ty đang kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh liên tục. Doanh nghiệp của bạn chỉ được xem là quản trị tốt khi đã sẵn có kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Công ty Kuroda Kagaku ở Hải Dương trở thành ổ dịch covid với lệnh phong tỏa đương nhiên mọi hoạt động công ty đình trệ, nhưng chắc chắn CEO ở đây không thể không lập ngay kế hoạch khắc phục hậu quả và kế hoạch phục hồi sau hết dịch.
Ba là, đánh giá lại chuỗi cung ứng mà công ty tham gia xem có lỗ hổng nào. Đây là điều rất quan trọng với sản phẩm của công ty và có tầm nhìn xa hơn. Tất nhiên, với các công ty Việt Nam theo thống kê mới chỉ hơn 27% số công ty Việt có tham gia một trong khâu của chuỗi cung ứng. Vậy số công ty còn lại rất cần đánh giá lại nguồn cung đầu vào có bị đứt gãy, tình hình đầu ra của thị trường các khâu trung gian logictic có bị ảnh hưởng không?
Bốn là, xác định các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sự thất bại của công ty. Các nhóm và cá nhân phụ thuộc vào những quy trình hoặc dịch vụ quan trọng nào? Có những người lao động với các kỹ năng phù hợp có thể đảm nhận các vai trò quan trọng nếu cần không? Các trung tâm cuộc gọi và trung tâm dịch vụ dùng chung có khả năng dễ bị tấn công nếu vi-rút tiếp tục lây lan - có thể thực hiện các bước để giảm mức độ tương tác của con người, chẳng hạn như thay đổi so le hoặc làm việc từ xa?
Năm là, cần bảo đảm việc nhận thông tin liên lạc chính xác. Mặc dù các nhà tuyển dụng làm việc chăm chỉ để cung cấp thông tin cho lực lượng lao động của họ, nhưng thông tin sai lệch và nhầm lẫn đã lây lan cùng với vi rút. Nhân viên của công ty (và các bên liên quan rộng lớn hơn) sẽ tìm kiếm sự trấn an từ bạn rằng họ đang được bảo vệ và doanh nghiệp đã được chuẩn bị. CEO nên xem đây là chân lý, công ty phải được tin tưởng hơn cả cơ quan quản lý và truyền thông. Tính nhất quán và độ chính xác của thông điệp là chìa khóa, cũng như sự đảm bảo từ cấp cao nhất của tổ chức; lực lượng lao động của bạn sẽ cần biết rằng phúc lợi của họ là tối quan trọng.
Sáu là, cần sử dụng phân tích kịch bản. Với sự không chắc chắn tiềm ẩn của COVID-19 thì sẽ ảnh hưởng đến mọi bộ phận của doanh nghiệp trong nhiều tháng. Phân tích các kịch bản được lập ra là một công cụ quan trọng để kiểm tra khả năng sẵn sàng. Tình huống tốt nhất và trường hợp xấu nhất là gì và doanh nghiệp có được trang bị để đối phó không? Điều gì có thể là tác động trong dài hạn. Ví dụ, đối với vốn lưu động hoặc các hợp đồng ngân hàng, hoặc thậm chí giá thuê các cửa hàng và nhà hàng nếu các địa điểm công cộng bị đóng cửa? Đặt các câu hỏi tìm kiếm cho nhóm tài chính của công ty để làm nổi bật những điểm nhạy cảm quan trọng tới khả năng thanh toán của công ty. Các tổ chức trong một số lĩnh vực có thể nhận thấy sự gia tăng đáng kể về nhu cầu nếu nhiều người dân dành nhiều thời gian ở nhà hơn là ở nơi làm việc - họ đã chuẩn bị cho điều này chưa? Các siêu thị đang giảm sự đa dạng của các sản phẩm, dự trữ các mặt hàng thiết yếu và phát triển các kế hoạch dự phòng.
Bảy là, không được bỏ qua những rủi ro khác. COVID-19 không phải là mối đe dọa duy nhất trong tương lai - và thường các công ty dễ bị tổn thương nhất khi đối phó với một cuộc khủng hoảng chi phối sự chú ý của họ. Nhiều rủi ro khác mà doanh nghiệp của bạn phải đối mặt sẽ không giảm bớt do dịch bệnh. Ví dụ, an ninh mạng luôn phải được quan tâm hàng đầu.