Tham mưu để dự án không phải trình Quốc hội
Kết luận số 1325/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về một số nội dung đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2) cho thấy, sau khi được giao làm đầu mối đầu tư dự án, tháng 11/2009, PVN đã trình Thủ tướng thẩm định, phê duyệt dự án này với tổng mức đầu tư là 29.704 tỷ đồng.
Chiếu theo quy định của Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11, dự án NMNĐ Thái Bình 2 thuộc diện phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư… nên Phó Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản (ký ngày 19/3/2010) gửi Bộ Công thương, trong đó có nội dung: “Ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công thương thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư…”.
Tuy nhiên, một tuần sau (ngày 25/3/2010), Bộ Công thương có văn bản gửi Thủ tướng với nội dung: “Sau 4 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết 66, do biến động trượt giá, thay đổi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ… nên dự toán nhiều công trình tăng lên rất nhiều. Vì vậy nếu vẫn lấy mức đầu tư 20.000 tỷ đồng để trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư là không phù hợp. Nếu quy đổi về mặt bằng giá năm 2006 sẽ không vượt 20.000 tỷ đồng… thì được xử lý theo hướng Chính phủ không phải trình Quốc hội theo quy định”...
Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, PVN đã tính toán quy đổi tổng mức đầu tư dự án NMNĐ Thái Bình 2 về mặt bằng giá năm 2006 là 18.495 tỷ đồng rồi đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét quyết định thông qua chủ trương đầu tư, giao PVN phê duyệt dự án.
Đến ngày 18/5/2010, Phó Thủ tướng đã ra văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng với nội dung: Đồng ý HĐQT PVN phê duyệt dự án đầu tư NMNĐ Thái Bình 2. Sau đó, ngày 2/7/2010, HĐQT PVN đã phê duyệt dự án với mặt bằng giá quý II/2010 là 31.505,4 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 30%, vốn vay 70%).
Theo đánh giá của TTCP, việc PVN và Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng giao PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng với Nghị quyết 66 của Quốc hội.
“Trách nhiệm thuộc về PVN, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đối với chủ trương đầu tư dự án” - TTCP kết luận.
Thiệt hại hàng triệu USD
Sau khi “né” Quốc hội, PVN đã hai lần phê duyệt quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 31.505 tỷ đồng lên 41.799 tỷ đồng. TTCP xác định cả hai lần điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đều không đúng quy định.
Cụ thể, kết quả thanh tra làm rõ, PVN chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng đã quyết định nâng tổng mức đầu tư lần 1 từ 31.505 tỷ đồng lên 34.295 tỷ đồng (ngày 26/5/2011), việc làm này vi phạm NĐ 12/2009/NĐ-CP.
Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 lên 41.799 tỷ đồng (ngày 4/10/2016), TTCP cho rằng do việc điều chỉnh Hợp đồng EPC không đúng Nghị định số 48/2010/NĐ-CP và Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này là không đúng quy định.
“Trách nhiệm thuộc PVN, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định điều chỉnh dự án” - kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, TTCP cũng cho rằng, việc PVN chỉ định công ty con là Tổng Cty Xây lắp Dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC dự án với thời gian thực hiện gói thầu 45 tháng với giá trúng chỉ định thầu là 1,2 tỷ USD là vi phạm quy định về đấu thầu.
Do PVC không đủ năng lực, không thực hiện đúng cam kết là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả lãi tiền vay từ năm 2016 đến 2019 là 81,867 triệu USD.
Trách nhiệm thuộc PVN, PVC, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định chỉ định PVC là Tổng thầu Dự án NMNĐ Thái Bình 2…
Sau khi “né” Quốc hội, PVN đã hai lần phê duyệt quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 31.505 tỷ đồng lên 41.799 tỷ đồng. TTCP xác định cả hai lần điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đều không đúng quy định.