Một tuần sau quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ ba trong năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường đón thêm quyết định của một số ngân hàng trung ương khác.
Thái Lan tiếp tục giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục. Trung Quốc cũng vừa cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016…
Thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 46 ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất.
Việt Nam cũng nằm trong số đó, với quyết định từ ngày 16/9 vừa qua. Nhiều ý kiến trong giới nghiên cứu và phân tích (qua khảo sát cụ thể tại một hội thảo chuyên ngành gần đây) cùng nghiêng về khả năng các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ dừng lại như hiện nay mà khó có giảm thêm nữa cho đến năm 2020.
Ở một chuyển động khác, rất đáng chú ý: gần đây một số ngân hàng thương mại đã rút dần các mức lãi suất huy động cao vượt trội qua đợt tăng trong quý III/2019, hoặc biểu niêm yết đặt trước các điểm giao dịch đã có giảm xuống so với trước.
Dù vậy, lãi suất huy động vốn trung và dài hạn tại Việt Nam hiện vẫn khá cao, nhiều ngân hàng vẫn đang áp từ 8,5% đến gần 9%/năm.
Trao đổi về cạnh tranh những mức lãi suất cao đó, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng đây đang là vòng xoáy đào sâu hố ngăn cách giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam. Và vòng xoáy này ngày một trở nên khắc nghiệt.
“Lãi suất do thị trường quyết định, chứ ý chí một ngân hàng riêng lẻ không thể quyết định được”, vị tổng giám đốc trên đặt vấn đề.
Theo đó, khi lãi suất huy động tăng, các ngân hàng cùng phân khúc cạnh tranh thường xem xét tăng theo để giữ chân và giữ cân đối nguồn. Lãi suất đầu vào cao, lãi suất cho vay đầu ra cũng thường cao lên.
Khi lãi suất cho vay cao, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, ngân hàng đó phải tiếp cận những khách hàng ở phân khúc có độ rủi ro cao hơn, tiềm ẩn nợ xấu. Những khách hàng tốt, chất lượng khoản vay tốt thường tìm đến những nguồn cho vay có chi phí thấp.
Lãi suất cho vay cao, rủi ro tiềm ẩn nợ xấu cao hơn, và khi vướng nợ xấu thì ngân hàng càng khó khăn trong việc rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng khác trong cạnh tranh.
Còn nếu lãi suất huy động cao, ngân hàng vẫn cố gắng cho vay lãi suất thấp hoặc không nâng lãi suất cho vay tương ứng, biên lợi nhuận sẽ mỏng lại. Khi biên lợi nhuận mỏng đi, nguồn lợi nhuận giữ lại kém đi, nguồn lực để đầu tư, phát triển các yếu tố nền tảng cũng hạn chế đi.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều ngân hàng đã thoát hẳn giai đoạn khó khăn 2011-2015, bắt đầu tăng tốc và gia tăng lợi nhuận để tích lũy nguồn lực, có thêm điều kiện để tăng đầu tư cho hạ tầng, nhân sự, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ…, thì vẫn có nhiều thành viên phải loay hoay với lãi suất cao để cân đối nguồn, mà nguồn lực đầu tư cho các yếu tố nền tảng càng hạn chế.
Theo phân tích của vị lãnh đạo ngân hàng trên, vòng xoáy lãi suất cao với những mối liên hệ đó khiến khoảng cách giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam ngày càng doãng rộng.
Còn riêng về lãi suất, đến nay, khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động cao nhất giữa các nhóm ngân hàng đã vượt trên mức 2%/năm, mà những năm gần đây phổ biến chỉ chênh lệch trong khoảng 1,2-1,5%/năm mà thôi.