Dưới 1,5 triệu USD cho 2/3 thời gian còn lại của sự kiện
Chiều 21/8, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức sở hữu bản quyền truyền hình Á ASIAD 2018. Mức giá được tuyên bố là dưới 1,5 triệu USD. Nếu so sánh với số tiền bản quyền truyền hình rò rỉ trước khi Á Vận hội diễn ra (khoảng 3-4 triệu USD), mức giá hiện tại đã thấp hơn 40-50%. Mặc dù vậy, điều này không chứng tỏ phí bản quyền đã "rẻ" hay mất giá trị.
ASIAD 2018 được tổ chức tại Indonesia từ ngày 18/8 – 2/9. Tuy nhiên, đó chỉ là ngày chính thức. Một số môn thi đấu đã bắt đầu từ trước đó. Môn bóng đá nam là một ví dụ. Đội Olympic Việt Nam với các tuyển thủ U23 đã ra quân từ ngày 14/8 trong trân đấu với Pakistan. Tính tới ngày 21/8, Asiad đã diễn ra được 1 tuần. Và số tiền bản quyền dưới 1,5 triệu USD (như đại diện VOV cho biết) chỉ có thể phục vụ việc xem trực tiếp các nội dung thi đấu của 11 ngày còn lại.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý nữa trong quá trình mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018 đến từ phía công ty KJSMWORLD CORP, đơn vị đang nắm giữ bản quyền. Ngay khi không thể mua được bản quyền, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV cũng cho biết khả năng KJSMWORLD CORP bán bản quyền sau khi ASIAD bắt đầu diễn ra là không cao và họ kiên quyết không "hạ giá".
"Rất khó có khả năng đó xảy ra, bởi nếu đối tác chịu xuống nước họ đã làm rồi" – ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam phát biểu trên VTV ngày 13/8.
Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tuyên bố sở hữu bản quyền. Đối tác bán bản quyền vẫn là KJSMWORLD CORP.
Kinh nghiệm là lợi ích lớn mà VOV nhận được
Trả lời báo chí, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ cho biết, đơn vì này không mua bản quyền truyền hình ASIAD vì nhiều lý do. K+ là truyền hình trả tiển và nếu mua bản quyền và chia sẻ với các đơn vị khác thì lợi ích kinh tế không có. Ngược lại, nếu đơn vị này không chia sẻ bản quyền truyền hình sự kiện thể thao có các đội tuyển quốc gia tham dự, dự luận sẽ dùng chữ "độc quyền" theo nghĩa không tích cực.
Nếu mua bản quyền từ sớm, mức giá sẽ thấp hơn rất nhiều nhiều. Năm 2017, Công ty Dentsu (Nhật Bản) - đơn vị sở hữu bản quyền khi đó - đã tiếp xúc với các đài truyền hình tại Việt Nam và chào bán với giá khoảng 500.000 USD. Nhưng đã không có thỏa thuận nào được ký kết. VTV cho biết, nỗ lực đàm phán trong 2 năm qua không những không thành công mà đơn vị sở hữu bản quyền còn đẩy giá bản quyền truyền hình lên đơn vị triệu USD.
Thực tế, VTV vẫn là đài truyền hình có nhiều kinh nghiệm đàm phán và sở hữu bản quyền của nhiều sự kiện thể thao nhất Việt Nam. Theo đơn vị này, chi phí để phục vụ nhu cầu xem các giải đấu thể thao của khách hàng không hề nhỏ. Bên cạnh khoản tiền mua bản quyền, đài truyền hình còn phải trả chi phí thuê vệ tinh truyền tín hiệu từ nơi diễn ra sự kiện về Việt Nam.
Hàng chục phóng viên VTV phải lập kế hoạch công tác từ năm trước đó để tác nghiệp tại hiện trường. Ở trụ sở đài, nhiều chương trình đồng hành, bình luận,…. được thực hiện để đồng hành cùng sự kiện. Nhờ những hoạt động thu hút người xem đó, VTV mới có cơ sở để đưa ra bảng giá quảng cáo cho mỗi block như báo chí thường phân tích.
"Nếu chấp nhận mức giá 4 triệu USD từ đối tác, VTV không chỉ có nguy cơ lỗ rất lớn, mà tiếp tục bị hét giá ở AFF Cup 2018, chỉ diễn ra sau Asiad khoảng 3 tháng" – đại diện VTV nói.
Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), việc sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 2018 đã đem lại một hiệu ứng tích cực. VOV và VTC (đơn vị trực thuộc VOV) đã trở thành từ khóa "hot" trong ngày 21/8, theo Google Trends.
Theo Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ, việc mua bản quyền ASIAD 2018 giúp đài có thêm kinh nghiệm: đàm phán, tìm nguồn tài chính, mua thiết bị,… Một số nhóm phóng viên của VOV cũng có thêm kinh nghiệm tiếp cận và đưa tin sâu sát ở một sự kiện thể thao có sự tham gia của Đoàn Thể thao Việt Nam.
"Ngoài hiệu ứng xã hội, nếu chúng ta đạt được thêm hiệu quả kinh tế là điều tốt. Nhưng tôi vẫn luôn đặt kinh tế vào vế thứ hai. Nếu đặt kinh phí lên trước, chắc chúng ta không dám đặt vấn đề mua bản quyền" – Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu.