Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng và trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên được áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 tại Việt Nam.
Basel 2 là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, sử dụng khái niệm "3 trụ cột" bao gồm Yêu cầu vốn tối thiểu, Giám sát của cơ quan quản lý và Công bố thông tin trong quản trị ngân hàng.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, VPBank sẽ bắt đầu tuân thủ các quy định tại Thông tư 41 từ ngày 1/5/2019. Quyết định trên cũng đồng nghĩa mọi hoạt động của VPBank sẽ tuân thủ theo chuẩn mực Basel 2 từ đầu tháng năm.
Được biết, VPBank là một trong 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai thí điểm Basel 2 từ năm 2014. Cũng kể từ đó, đây là tiêu chí được ưu tiên cao nhất tại đây.
Cụ thể, thay vì thuê đơn vị tư vấn bên ngoài triển khai Basel 2, ngân hàng này đã tự xây dựng một đội ngũ với 58 nhân sự toàn thời gian để thực hiện chương trình này. Trong suốt 4 năm qua, đã có 82 tiểu dự án liên quan tới Basel 2 được thực hiện, 28 khóa đào tạo và 15 mô hình đo lường rủi ro đã được triển khai.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngân hàng này, một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel 2 đó là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu. Ở khía cạnh này, VPBank liên tục đáp ứng rất tốt trong những năm qua, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) luôn cao hơn rất nhiều so với quy định 8%. Kết thúc năm 2018, hệ số CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 của VPBank là 11,2%.
Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ, tỷ lệ an toàn vốn chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo, lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel 2 là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ.
Thực tế cho thấy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 năm qua, VPBank đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro. Tất cả các đơn vị kinh doanh và đơn vị hỗ trợ thường xuyên nhận được báo cáo về mức độ sử dụng vốn theo chuẩn Basel 2, cũng như các đề xuất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng vốn, giúp giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động của ngân hàng. Các quyết định kinh doanh nhờ đó không chỉ dựa trên lợi nhuận, mà còn cân nhắc các yếu tố rủi ro đã được lượng hóa.
Kết quả là trong bốn năm trở lại đây, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất hệ thống. Tổng thu nhập hoạt động trong năm 2018 của ngân hàng là hơn 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là 2,4% và 22,8%.