Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) vừa có thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ với tỷ lệ phát hành 0,675%. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/3 so với thị giá hiện tại của cổ phiếu trên sàn.
Số cổ phiếu quỹ được bán cho người lao động này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau một năm sẽ giải tỏa 30% cổ phần, sau hai năm giải tỏa tiếp 35% số cổ phần và sau ba năm giải tỏa 35% số cổ phần còn lại. Thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến ngay trong tháng 7/2022.
Lãnh đạo VPBank cho biết, mục đích của đợt phát hành là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên, gắn liền lợi ích của cán bộ nhân viên với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra còn khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên khi công tác chuyên môn, thu hút nhân tài và giữ chân những người có năng lực.
Được biết, trong năm 2020 và 2021, các chương trình ESOP của VPBank không phát hành cho cán bộ nhân viên là người nước ngoài nên trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành một khối lượng đủ lớn để có thể lựa chọn dành cho cán bộ là người nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tốt, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của VPBank, dự kiến khoảng 10 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh việc phát hành ESOP, năm nay, VPBank dự kiến thực hiện tăng mạnh vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đợt 2, vốn điều lệ sẽ tăng lên mức 79.334 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, VPBank đặt kế hoạch tổng tài sản đến cuối năm đạt 697,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,4% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt hơn 518,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đến cuối năm dự kiến đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến tăng mạnh tới 106,5%, lên 29.662 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước.