Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, năm 2020 ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh an toàn với lợi nhuận dự kiến 10.214 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với thực hiện của năm 2019. Đây là con số của ngân hàng hợp nhất, tức gồm ngân hàng mẹ VPBank, công ty con Fe Credit và công ty xử lý nợ AMC, trong đó chủ yếu là ngân hàng và công ty tài chính bởi AMC chỉ đóng góp một phần rất rất nhỏ trong doanh thu.
Cũng theo CEO của VPBank, kế hoạch tổng thể thì thận trọng nhưng riêng ngân hàng năm nay vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 15%, phần sụt giảm đến từ Fe Credit. Mọi năm, công ty tài chính đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận hợp nhất nhưng năm nay có thể thấp hơn.
"Chúng tôi xác định Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh tế, trong đó VPBank xác định có 4 mảng chính gồm các ngành liên quan đến đi lại, du lịch, khách sạn; các doanh nghiệp nhỏ; tiểu thương và khách hàng cá nhân. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ, hộ tiểu thương chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, gần 90% khách hàng VPBank trong mảng này phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Nhóm khách hàng cá nhân vay tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề" - ông Vinh nói về tác động của Covid-19 lên hoạt động.
Dẫu đánh giá tác động của dịch bệnh tới hoạt động của ngân hàng trong quý 2 và quý 3 còn tiếp diễn bởi đặc thù của ngành ngân hàng có độ trễ hơn so với các ngành khác, nhưng Tổng giám đốc VPBank cũng cho biết tình hình hiện nay đã cải thiện. "May mà Nhà nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và dừng giãn cách xã hội nên mức độ ảnh hưởng vừa phải. Đến giữa tháng 5, khoảng 70% khách hàng của VPBank đã quay trở lại hoạt động, đến hiện tại là hơn 90%".
Riêng về Fe Credit, trong thời gian qua đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro. Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Fe Credit mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1% và cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trong tháng 6 với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1-2%. Còn ở ngân hàng mẹ thì tín dụng vẫn tăng trưởng cho vay tốt, khoảng 12% tính đến hết tháng 5.
Trước đó, khi chia sẻ với chúng tôi hôm 26/5, Tổng giám đốc Fe Credit là ông Kalidas Ghose cũng đánh giá dịch bệnh đã tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, và công ty tài chính cũng không là trường hợp ngoại lệ, khiến cho các khoản cho vay của công ty này chậm lại đáng kể. Song với định hướng kiểm soát rủi ro nên trong thời gian qua Fe Credit cũng đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 6% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay - con số thấp trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. "Chúng tôi đã tập trung vào các khách hàng có rủi ro tốt hơn với lịch sử trả nợ tốt với các điều chỉnh phù hợp trong chính sách cũng như triển khai các hành động cụ thể cho từng phân khúc danh mục đầu tư. Tất cả những nỗ lực ấy dường như đã được đền đáp trong thời gian khó khăn này" - ông nói.
Nói về định hướng thời gian tới, Tổng giám đốc Fe Credit cũng cho biết sẽ tiếp tục theo con đường tập trung vào các nhóm khách hàng tốt và tăng kiểm soát rủi ro. Song ông còn nhận thấy một xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng sau thời gian giãn cách xã hội đó là tăng chi tiêu qua thẻ tín dụng.
"Trong quý 1/2020, chi tiêu qua thẻ tín dụng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là chi tiêu mua sắm hàng tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử. Điều này chứng minh giãn cách xã hội và dịch bệnh đã thực sự tạo ra sự dịch chuyển trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng" - ông Kalidas dẫn chứng và cho biết thêm đây lại chính là thế mạnh của Fe Credit trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi đang dẫn đầu về thẻ tín dụng với hơn 2,3 triệu thẻ được phát hành và tổng khoản phải thu đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 11% vào tổng danh mục khoản vay. "Chúng tôi chắc chắn sẽ nắm bắt lợi thế thay đổi bằng chiến lược tập trung phát triển sản phẩm thẻ tín dụng thành động lực tăng trưởng trong tương lai. Đồng thời, công ty cũng không ngừng đầu tư vào công nghệ và số hóa để nâng cấp quy trình phê duyệt khoản vay và thẻ tín dụng thông qua ứng dụng $NAP".
Còn một nội dung nữa rất quan trọng đối với Fe Credit trong năm nay đó là kế hoạch IPO. Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, thời gian qua Hội đồng quản trị (HĐQT) đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn Fe Credit, và cũng đã có kết quả tích cực. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quá trình đàm phán tạm thời bị gián đoạn song HĐQT tin rằng quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và sẽ đạt mục tiêu vì Fe Credit rất hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng.
Về việc khi bán vốn thì tỷ lệ sẽ khoảng bao nhiêu, theo chủ tịch VPBank, đây là công ty tài chính - khác với các ngân hàng - nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%. Việc bán vốn nếu tỷ lệ cao như vậy sẽ giúp ngân hàng nhận được sự hợp tác về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành... để cùng kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn, lại có nguồn vốn lớn để tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay bán lẻ và SME - những mảng lõi của ngân hàng mẹ.
Trong một diễn biến khác, khi nhận định về triển vọng của các công ty tài chính tiêu dùng năm nay và các năm tới, TS. Cấn Văn Lực và Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng năm nay tài chính tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các năm tới vẫn hết sức lạc quan bởi dư địa để phát triển là rất lớn. "Công ty tài chính vẫn sẽ đẻ trứng vàng, không những đẻ tốt mà trứng còn to hơn trong các năm sau" - ông Trương Thanh Đức nhận xét.