Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Ngân hàng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nói chung và tới các khách hàng của VPBank nói riêng. Do đó, VPBank đã chủ động hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 107 nghìn khách hàng để cùng giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tương ứng với tổng dư nợ gần 140 nghìn tỷ đồng. Các biện pháp hỗ trợ này được triển khai đồng thời cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, áp dụng cho cả vay thế chấp và tín chấp, chủ động hỗ trợ cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Không chỉ hỗ trợ khách hàng, VPBank còn liên tục hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch, như trao tặng 715 máy thở chuyên dụng (gồm các loại xâm nhập, không xâm nhập và hệ thống oxy dòng cao) trị giá gần 150 tỷ đồng, tài trợ 05 container xét nghiệm Covid-19 lưu động đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ủng hộ 60 tỷ đồng cho Quỹ vaccine… Tổng ngân sách VPBank dành để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid 19 đến nay lên đến hơn 250 tỷ đồng với mong muốn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đưa tình hình kinh tế, xã hội sớm ổn định trở lại. Dự kiến từ nay đến cuối năm, VPBank tiếp tục đồng hành cùng chủ trương của NHNN, hỗ trợ khách hàng hiện hữu và khách hàng mới thông qua việc giảm lãi suất cho vay 0,5% - 1,5%/năm. VPBank ước tính sẽ giảm gần 1.500 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2021.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của VPBank lần đầu tiên đạt tới 3,3%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,7%, là những chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.
Tính đến cuối quý 2/2021, VPBank tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao 12,3% theo tiêu chuẩn Basel II. Chi phí dự phòng hợp nhất nửa đầu năm tăng mạnh 35% cùng kỳ năm 2020, nhờ đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao trích lập dự phòng rủi ro.
Các tỷ lệ an toàn được giữ ở mức tốt so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước: tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động đến cuối quý 2/2021 ở 77%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 26%.
Chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất của VPBank trong 6 tháng đầu năm nay giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ việc tối ưu hóa chi phí và ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tiếp tục ở mức thấp nhất trong hệ thống với 23,4% trong nửa đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 31% cùng kỳ năm 2020.
Tại ngày 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của VPBank được kiểm soát ở 2,94%, tại ngân hàng riêng lẻ ở 1,73%. Công tác xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021 với thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt 1.376 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Chiến lược chuyển đổi số tiếp tục được ngân hàng triển khai trên diện rộng, với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm được thiết kế riêng cho từng nhóm phân khúc khách hàng riêng biệt. Việc này giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông qua các sản phẩm phù hợp, kênh tiếp cận phong phú và đa dạng.
Tệp khách hàng của VPBank theo đó tiếp tục mở rộng, đạt gần 19 triệu khách hàng trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt gần 5,2 triệu khách hàng và FE Credit có hơn 14 triệu khách hàng tính đến 30/6/2021. Tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh digital đạt 73%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch online tăng 200% so với cùng kỳ 2020. Tỷ lệ mở mới hợp đồng cho vay thông qua các kênh số hóa đến cuối quý 2/2021 đã đạt trên 80% và đặc biệt tỷ lệ số dư tiền gửi online trên tổng tiền gửi của Ngân hàng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng lên mức 18,8% đến cuối quý 2/2021 so với mức 15,5% tại ngày 31/12/2020.