Lợi nhuận kế hoạch 2018 xấp xỉ 11.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB-HoSE) vừa công bố tài liệu cho kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 dự kiến được tổ chức vào ngày 19/3 tới đây. Nhà băng này đưa ra kế hoạch tài chính năm 2018 với lợi nhuận tăng trưởng đáng kể cùng kế hoạch tăng vốn "khủng" thông qua trả cổ tức, chia cổ phiếu và phát hành ESOP, riêng lẻ...
Liên tục tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao nhiều năm gần đây, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2018 sẽ tiếp tục tăng 32,84% lên mức 10.800 tỷ đồng. Kế hoạch trên cao hơn nhiều kế hoạch trước đó nhà băng này từng đề cập hồi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán hồi tháng 8/2017 (8.500 tỷ đồng). So với mức thực hiện năm 2017 của hệ thống ngân hàng, mục tiêu lợi nhuận năm 2018 của VPBank thậm chí còn vượt mặt các ngân hàng có vốn nhà nước là BIDV và VietinBank.
Tổng tài sản năm 2017 dự kiến cũng tăng hơn 29% lên 359.477 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đặt kế hoạch tăng gần 24%. Nguồn vốn huy động thông qua tiền gửi khách hàng và phát hành GTCG dự kiến sẽ tăng hơn 21% lên xấp xỉ 242.000 tỷ đồng.
Trả cổ tức và phát hành ESOP ngay quý II cùng hàng loạt phương án tăng vốn
Cùng với kế hoạch tăng trưởng "ấn tượng" ở các chỉ tiêu lợi nhuận cùng quy mô tài sản, VPBank cũng đặt kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 15.700 tỷ đồng lên gần 27.800 tỷ với 5 lần tăng vốn trong năm.
Sau khi trích lập các quỹ cần thiết, VPBank còn gần 4.565 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Ngân hàng đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức năm 2015 do đó các cổ đông sở hữu cổ phiếu này sẽ được ưu tiên nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tương ứng 146 tỷ đồng.
Nguồn thặng dư còn lại, VPBank dùng để tăng vốn trong năm thông qua 5 đợt:
Đầu tiên, cổ đông hiện hữu sẽ được nhận cổ tức năm 2017 tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng 1,25%.Khoản cổ tức này dự kiến sẽ được chi trả ngay quý II.
Lần tăng vốn thứ hai, diễn ra trong quý II, nhà băng này dự kiến phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với tổng số cổ phần phát hành 33,695 triệu cổ phần, tương ứng với 2,14% vốn điều lệ cuối năm 2017 với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Tổng mệnh giá cổ phần ESOP phát hành tương đương khoảng 4,14% lợi nhuận trước thuế 2017. Trong khi ước tính theo giá thị trường cổ phiếu VPB đóng cửa ngày 8/3 (65.100 đồng/cp), giá trị phần cổ phiếu phát hành thêm này tương đương 2.193 tỷ đồng.
Lần tăng vốn thứ ba, VPBank phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành. Giá chào bán sẽ được thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá cổ phiếu trung bình 6 tháng kể từ khi niêm yết trên HoSE.
Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Về thời điểm thực hiện, VPBank chưa có thông tin cụ thể đồng thời cần dựa vào xin chấp thuận của các cơ quan. Tuy nhiên, dự kiến đợt phát hành sẽ thực hiện 1 đợt trong năm 2018.
Cùng đó, VPBank sẽ mua lại toàn bộ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức phát hành hồi năm 2015 thành cổ phiếu Quỹ. Toàn bộ 73,22 triệu cổ phiếu này sẽ được mua lại với giá 34.000 đồng/cp và chia thưởng cho cổ đông hiện hữu vào quý III Tổng giá mua lại toàn bộ số cổ phần ưu đãi cổ tức là hơn 2.489 tỷ đồng, số cổ phần này tương ứng gần 5% vốn điều lệ đầu năm 2018 của VPBank.
Đợt tăng vốn thứ 5 của VPBank dự kiến thực hiện trong quý IV/2018 là đợt chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư năm 2017. Tỷ lệ chia cho cổ phần phổ thông (không chia cho cổ phiếu quỹ) là 20,35% tại thời điểm chia, tương đương 32% cổ phần phổ thông hiện nay.
Sau khi thực hiện chia toàn bộ thặng dư vốn cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của VPBank sẽ dự kiến tăng thêm 4.577 tỷ đồng.
Nếu thành công, vốn điều lệ của VPBank năm 2018 sẽ tăng lên 27.799,87 tỷ đồng, tăng 77% so với cuối năm 2017. Như vậy, tổng cộng trong năm 2018, các cổ đông hiện hữu dự kiến được nhận thêm tổng cộng 998,82 triệu cổ phiếu mới. So với lượng cổ phiếu phổ thông tại thời điểm cuối năm 2017, số lượng cổ phiếu mới các nhà đầu tư được nhận từ VPBank khoảng 66,7%.