Theo CTCK VPBank (VPBS), trong số 820.000 TEUs sản lượng năm 2018 của CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC), cảng Xanh sẽ chiếm 30,5% cơ cấu với 250.000 TEUs, giảm 14% so với năm trước, do tác động rõ hơn từ việc cầu Bạch Đằng sẽ đi vào hoạt động trong quý II (thực tế, cầu Bạch Đằng đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục chính, các tàu trọng tải lớn hầu như đã chuyển sang các cảng hạ nguồn sông Cấm do hạn chế lưu thông từ việc xây dựng cầu).
Đồng thời, do vị trí địa lý không thuận lợi (nằm ở thượng nguồn sông Cấm) và hạn chế của Cảng Xanh trong việc tiếp nhận các tàu có trọng tải siêu lớn, VSC cũng thực hiện việc điều phối các đơn hàng sang Cảng Xanh VIP, tiến tới chuyển đổi công năng của Cảng Xanh trở thành 1 trung tâm phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, VPBS cho rằng giá dịch vụ bốc xếp container sẽ khó có thể giảm thêm khi quyết định 3863 áp giá sàn của các dịch vụ này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cảng sẽ thực hiện chiết khấu cho khách hàng ở các dịch vụ đi kèm ở mức 8-10% nhằm duy trì ưu thế cạnh tranh sẽ khiến doanh thu khó tăng lên.
Với Cảng Xanh VIP, sản lượng ước đạt 570.000 TEUs, đạt 114% công suất ban đầu, tăng 12%. Trong năm 2017, VSC đã thành công trong việc lấp đầy công suất của Cảng Xanh VIP với sự tham gia của hãng tàu Maersk Line.
Thêm vào đó, CTCP Đầu tư dịch vụ và phát triển xanh (GIC) đã kết thúc giai đoạn đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định từ năm 2018. Do đó, sản lượng của Cảng Xanh VIP tiếp tục được dự báo tăng do nguồn khách hàng ổn định và tốc độ luân chuyển hàng hóa nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của GIC.
Mặc dù vậy, nguồn cung dịch vụ vận tải biển tại khu vực Hải Phòng hiện đã vượt nhu cầu, do đó, giá dịch vụ tại cảng Xanh VIP được dự báo tiếp tục giảm từ 4-6% để thu hút khách hàng.
Sản lượng container bốc xếp tại các cảng ước đạt 600.000 TEUs, tăng 46,3% theo năm. Nguyên nhân là do VSC đã đưa GIC vào hoạt động trên khu đất 10ha tại khu kinh tế Đình Vũ Hải Phòng, do đó diện tích khả dụng sẽ tăng lên khá cao.
Sau khi trừ các chi phí, VPBS dự báo lãi ròng của VSC sẽ đạt khoảng 225,4 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước.
Bên cạnh đó, VPBS cũng đề cập đến một số rủi ro với hoạt động của VSC bao gồm rủi ro cạnh tranh giữa các cảng thuộc khu vực Hải Phòng. Dự kiến tháng 5/2018, dự án cảng lớn nhất miền Bắc – cảng Lạch Huyện sẽ chính thức đi vào hoạt động. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 80.000 DWT đủ tải và tàu 100.000 DWT giảm tải với lượng hàng hóa thông qua từ 12,1 – 13.8 triệu tấn/năm, lớn hơn nhiều so với công suất và tải trọng tàu có thể tiếp nhận của tất cả các cảng đang hoạt động tại khu vực Hải Phòng như Nam Hải Đình Vũ, VGP, Nam Đình Vũ, Tân Vũ,...
Bên cạnh đó, cùng xu hướng tăng tải trọng tàu của các hãng vận tải, năm 2018 được dự báo sẽ có sự cạnh tranh rất mạnh giữa đơn vị trong ngành để thu hút khách hàng tại khu vực cảng Hải Phòng.
Vừa qua, VSC đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2018 và được cổ đông thông qua kế hoạch năm 2018 với doanh thu 1.350 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận trước thuế 280 tỷ đồng giảm 6% so với thực hiện 2017 20 – 25% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, dù chỉ được 2/3 cổ đông có mặt tại đại hội đồng ý, đại hội cũng đã thông qua việc chuyển nhượng từ 5-10% cổ phần tại VIP Green (VGP) cho đối tác chiến lược là Evergreen với giá chuyển nhượng là giá thị trường cổ phiếu của VGP (dự kiến giao dịch trên sàn Upcom trong quý II/2018).
Việc chuyển nhượng vốn tại VGP không làm thay đổi quyền kiểm soát của VSC tại công ty này, do đó lãi/lỗ từ việc chuyển nhượng sẽ được ghi nhận trực tiếp không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VSC.