Thế độc quyền về nội dung truyền hình đã chính thức được phá bỏ. Ảnh minh họa: Theo VTVcab |
Mặc dù, dư luận vẫn đang hết sức bất bình với việc VTVcab và NextTV đồng loạt hạ 23 kênh truyền hình quốc tế trên hệ thống, thay thế vào đó là chùm kênh quốc tế còn khá xa lạ với người Việt Nam. Song các chuyên gia trong ngành truyền hình trả tiền đã nhìn ra một thực tế rằng, động thái của VTVcab và NextTV đánh dấu thời điểm mà sự độc quyền trong phân phối nội dung các kênh truyền hình nước ngoài tồn tại ở Việt Nam hàng chục năm nay đã chính thức bị phá vỡ. |
Theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Nhà nước cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam, nhưng mới chỉ có 60 kênh đã được phát sóng. Trong đó Qnet được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox… Do đặc điểm mỗi một kênh truyền hình nước ngoài chỉ định duy nhất 1 đại lý độc quyền phân phối tại Việt Nam, nên có thể nói các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác trong thương thảo, đàm phán giá mua bản quyền các kênh quốc tế.
Trong số 10 đại lý phân phối kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam, Qnet được giới truyền hình ví như một “ông trùm” siêu quyền lực vì nắm giữ trong tay quyền phân phối tới 30 kênh (trong tổng số 70 kênh truyền hình được cấp phép), và hiện đã phân phối 23 kênh. Qnet bán bản quyền cả gói kênh (theo kiểu “bán bia kèm lạc”), do đó những kênh mà Qnet phân phối nhà cung cấp truyền hình trả tiền nào cũng có như nhau. Điều này dẫn đến việc các nội dung kênh nước ngoài không có sự khác biệt.
Trước ngày 1/4/2018, Qnet phân phối kênh cho 10 hạ tầng truyền hình trả tiền, sau khi VTVcab và NextTV rút lui, hiện Qnet vẫn còn 8 khách hàng lớn SCTV, K+, HTVC, MyTV, truyền hình FPT, MobiTV, VTC, HanoiCab.
Một nguồn tin riêng của ICTnews bình luận, trong số 23 kênh Qnet đang phân phối, chỉ có khoảng 6-8 kênh là thuộc Top đầu thế giới, còn lại là các kênh cũng thuộc hạng trung bình.
Nguồn tin này cũng tiết lộ, vừa phân phối kênh, một số đại lý vừa được quyền trực tiếp khai thác quảng cáo trên các kênh nước ngoài mà đơn vị này nắm bản quyền. Có nghĩa là các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, dù phải bỏ cả đống tiền để mua gói kênh quốc tế nhưng lại không được bán quảng cáo trên các kênh này, họ còn bị chính các đại lý cạnh tranh khai thác quảng cáo trên chính hạ tầng của mình. Do đó, dù có đông khán giả, rating của chương trình quốc tế có cao ngất ngưởng thì các doanh nghiệp truyền hình cũng không thu được tiền từ quảng cáo.
Có lẽ vì nghịch lý này nên không chỉ VTVcab, NextTV mà một số doanh nghiệp truyền hình lớn khác cũng đang tìm cách để đổi mới nội dung. Thêm vào đó, xu hướng hội tụ số buộc các đài truyền hình phải tìm cách đưa nội dung lên OTT để phục vụ nhu cầu "cá nhân hóa" của người xem truyền hình. Các đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ truyền hình trên OTT như: VTVcab, K+, VTC, SCTV hiện tại đều cung cấp miễn phí quyền xem nội dung trên ứng dụng OTT cho thuê bao của mình.
"Dù cung cấp dịch vụ OTT chưa thu được phí, nhưng giá để mua quyền khai thác trên OTT các kênh truyền hình quốc tế thì "trên trời", tới mức không thể chịu nổi", nguồn tin riêng của ICTnews tiết lộ.
Việc VTVcab và Viettel mạnh dạn đầu tư mua gói kênh truyền hình nước ngoài mới, theo giới chuyên môn về truyền hình, lần đầu tiên thế độc quyền trong phân phối các kênh truyền hình nước ngoài đã bị phá vỡ. Thị trường truyền hình trả tiền đã có dấu hiệu cạnh tranh về nội dung, tạo ra những gói dịch vụ nội dung đa dạng, thêm nhiều gói kênh cho khách hàng chọn lựa.
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp truyền hình đổi mới
Trả lời phỏng vấn ICTnews vào sáng nay, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, ngay trong những ngày đầu năm 2018, có một số doanh nghiệp đã có đổi mới, nghiên cứu đưa ra các gói dịch vụ, giá cước khác biệt so với trước đây để cung cấp theo nhu cầu của khách hàng. Chủ trương của Nhà nước luôn khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, tạo ra nhiều gói dịch vụ linh hoạt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, nhất là trong xu thế cá thể hóa nhu cầu và xem truyền hình mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị như tivi, máy tính, điện thoại thông minh. Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi, góp ý của khách hàng nhằm kịp thời điều chỉnh, cải tiến chất lượng dịch vụ, thiết kế những gói dịch vụ, gói cước phù hợp hơn nữa.