100 contaner hạt điều được trả lại quyền sở hữu
Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19 , mọi giao thương của doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị đình trệ, thậm chí là mất khách hàng thì có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn, mà lại ở những thị trường uy tín như tin vui, thậm chí là lối thoát của doanh nghiệp. Nhưng chỉ cần mất cảnh giác, vội vã đây lại chính là dấu chấm cho mọi hy vọng của doanh nghiệp. Vụ việc 100 container xuất khẩu điều trị giá hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ.
Bộ Công Thương cho biết theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Italy, đến nay toàn bộ hơn 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italy đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số này là 35 container bị mất toàn bộ chứng từ gốc đã và đang được đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italy hoặc bán sang nước thứ ba.
Kết quả này có được là nhờ công tác huy động nhanh chóng mọi nguồn lực trực tiếp, gián tiếp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành cùng những cơ quan liên quan và sự phối hợp tích cực.
Phân loại nhân hạt điều tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
Thận trọng trong giao dịch quốc tế
Các công ty Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn nhất là mất tất cả hàng hóa trong thời gian ngắn nhất, giảm thiệt hại về kinh tế. Qua vụ việc lần này, doanh nghiệp Việt thực sự cần phải cẩn trọng trong câu chuyện mua bán quốc tế.
Doanh nghiệp Việt sau khi làm thủ tục xuất khẩu, lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng tại Việt Nam. Ngân hàng Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ.
Với bộ chứng từ này người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay". Đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay kẻ gian, bởi vì tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình vận đơn gốc tới hãng tàu.
Cho đến nay, dù đã lấy lại được quyền kiểm soát toàn bộ container hàng nhưng tổn thất đối với các doanh nghiệp Việt là rất lớn khi phải chi trả chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hoá, phí thuê luật sư, cước tàu vận chuyển hàng từ Italy đi các nơi… Theo thương vụ Việt Nam tại Italy, đây sẽ là một bài học lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải tìm hiểu kĩ thông tin của đối tác.
Cậu chuyện 100 container điều vừa rồi chỉ là một trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Đáng tiếc các thương nhân Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài hay thậm chí là năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn.
Vậy để tránh những vụ việc tương tự xảy ra hay cần một nơi để tư vấn, tìm hiểu thông tin sớm nhất nếu xảy ra tranh chấp thì doanh nghiệp có những kênh nào từ phía Bộ cũng như các cơ quan ở nước ngoài? Đâu là những rủi ro cần cảnh giác trong giao dịch thương mại quốc tế?
Xung quanh các nội dung trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có những phân tích, bình luận chi tiết!