Gần 20 năm qua, TP Đà Nẵng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Năm 2004, thành phố thực hiện “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” (gọi tắt là Đề án 922) đã bổ sung một thế hệ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn vững vàng.
Hệ thống thủ tục hành chính một cửa ở Đà Nẵng
Tiếc rằng, đến nay đã có đến 93 người rút khỏi đề án, trong đó có 40 người sau thời gian làm việc lại xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác. Nhiều đơn vị không thể giữ chân người giỏi ở lại làm việc, trong khi người ở lại cũng có những nỗi lòng, tâm tư. Vì sao xảy ra tình trạng này?
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học danh giá ở nước ngoài nằm trong diện tham gia “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” của TP Đà Nẵng, anh M.T. được bố trí vào làm nhân viên tại một Sở của TP Đà Nẵng. Môi trường làm việc khá thuận lợi, đúng chuyên môn nên anh phát huy được sở trường của mình.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ làm việc 7 năm theo đúng hợp đồng với thành phố, anh viết đơn xin nghỉ việc ra làm ngoài.
Khi hỏi lý do vì sao nghỉ việc nhà nước, anh M.T. bảo mình có lý do riêng: “Hiện nay, mình nghỉ đi ra ngoài làm rồi, không làm trong cơ quan nhà nước nữa. Thực ra chỗ mình làm hồi xưa thì không có vấn đề gì, nói chung căn bản họ cũng tạo điều kiện thuận lợi để làm việc nhưng môi trường nhà nước, công việc nhàm chán hơn thì mình muốn tìm cơ hội khác, mình đi ra ngoài vì mục tiêu riêng của mình”.
Đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với thanh niên |
Chuyện anh M.T. xin nghỉ việc ra làm ngoài, một vị lãnh đạo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng hiểu rất rõ trường hợp này. Một trong những lý do người này bỏ việc nhà nước là thu nhập bên ngoài cao hơn cả chục lần. Cũng công việc đó khi làm ở khối nhà nước, học viên này lương chỉ vài triệu đồng nhưng khi “nhảy” có mấy bước chân, ra ngoài, lương cao gấp cả chục lần.
Một số cán bộ lãnh đạo Sở, ngành bày tỏ tiếc nuối khi nhiều người tham gia Đề án 922 xin nghỉ việc rất giỏi chuyên môn. Đơn cử như 2 chuyên viên nữ trong diện Đề án 922 làm việc tại Sở Nội vụ và Ban Hỗ trợ xúc tiến Đầu tư thành phố Đà Nẵng rất giỏi chuyên môn, có nhiều sáng kiến trong công việc, biết nhiều ngoại ngữ vừa làm đơn xin nghỉ việc Nhà nước.
Trong khi nhiều người giỏi dứt áo ra đi thì người ở lại cũng lắm nỗi niềm, tâm tư. Tốt nghiệp trường PTTH chuyên Lê Quí Đôn, TP Đà Nẵng, chị C.T. được cử đi du học chuyên ngành Tài chính tại nước ngoài.
Ba năm về làm việc tại một đơn vị của thành phố, chị khá hài lòng với môi trường làm việc.
Tuy nhiên, học chuyên ngành Tài chính nhưng công việc hiện tại của chị là giới thiệu qui trình, thủ tục đầu tư và phổ biến luật cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì không được học Luật nên chị phải đi học thêm mới đáp ứng yêu cầu công việc.
Chị C.T. bộc bạch, trước đây, ngoài tiền lương, chị được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng nhưng nay không còn, lương mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng, tôi phải đi làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.
“Nếu như lương đã không đủ sống, tính chất công việc, môi trường làm việc quá cứng nhắc thì em sẽ nghỉ đến việc thay đổi môi trường làm việc. Bây giờ em sẽ tiếp tục cố gắng làm thêm nhưng đến giai đoạn nào đó mà cảm thấy không thích hợp sẽ tìm môi trường làm việc ở bên ngoài”, chị C.T. nói.
Chính sách sử dụng người tài được nêu ra trong các buổi tiếp xúc cử tri |
Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Ban hỗ trợ Xúc Tiến đầu tư cũng là học viên của Đề án 922 của TP Đà Nẵng cho biết, có 17 người trong đề án được bố trí về làm việc tại Ban này, chiếm gần một nửa số cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Đến nay, đã có 5 người điều chuyển công tác, trong đó 3 người xin nghỉ việc. Mới đây, thêm một nữ chuyên viên giỏi việc, nói thạo 2 ngoại ngữ cũng làm đơn xin nghỉ việc. |
Theo ông Lê Minh Tường, đa số anh em khi về làm việc ai cũng muốn gắn bó lâu dài nhưng với mức lương bình quân mỗi người một tháng chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng nên ai cũng tâm tư.
“Từ đầu khi tham gia đề án về làm khu vực công thì các em cũng xác định khó khăn về lương. Hiện nay, Ban rất khó khăn về tiền lương, ngoài lương theo ngân sách không có nguồn thu nào khác. Chúng tôi cũng không có phụ cấp 25% phụ cấp công vụ. Nên nhiều em học viên vào đây cũng tâm tư, vì lương các em về cũng chỉ từ 3 đến 4 triệu đồng. Ban đêm các em phải đi dạy kèm ngoại ngữ để trang trải cuộc sống”, ông Minh Tường chia sẻ.
40 người thuộc đề án 922 của Đà Nẵng xin nghỉ việc. Đa số lấy lý do vì sức khỏe, điều kiện gia đình ở xa; có chồng, vợ hoặc bố mẹ định cư ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài. Một số người muốn tìm công việc mới bên ngoài...
Qua tìm hiểu thực tế, không ít người tham gia Đề án này lắng vì công việc chưa ổn định, nhiều năm nay vẫn làm với dạng hợp đồng lao động. Đến nay, trong số 375 học viên được bố trí về làm việc thì chỉ có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thừa nhận, việc sắp xếp, bố trí công việc thiếu hợp lý, không đúng chuyên ngành, sở trường cũng gây nhiều tâm tư cho những người tham gia đề án. Theo ông Võ Ngọc Đồng, trước đây, việc xây dựng chỉ tiêu ngành nghề cử đi đào tạo chưa sát thực tế; Chính sách đãi ngộ chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa chú trọng giữ chân người giỏi ở lại.
Ông Võ Ngọc Đồng cho biết thêm, từ năm 2014, thành phố đã dừng tuyển chọn học sinh gửi đi đào tào đại học như giai đoạn trước đây.
“Trước đây mình vừa thu hút vừa đào tạo, mấy trăm người bây giờ đông quá mà bây giờ trong điều kiện tinh giảm biên chế thì làm sao để bố trí được. Hiện nay, không đặt nặng việc đào tạo, dừng lại không đào tạo nữa mà tập trung bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ đang có”, ông Ngọc Đồng nói.
Chi phí để đào tạo mỗi học viên thấp nhất cũng cả trăm triệu đồng, nếu đào tạo ở nước ngoài lên đến vài tỷ đồng. Như vậy, nguồn kinh phí mà thành phố bỏ ra để đào tạo cho 647 học viên trong “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” lên tới hàng trăm tỷ đồng. Gần 15 năm theo đuổi chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bỏ ra hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách này nhưng câu chuyện giữ chân người tài trong các cơ quan nhà nước không hề đơn giản. Hàng loạt người giỏi việc, được đào tạo bài bản ở Đà Nẵng lần lượt xin nghỉ việc là một thực tế buồn. TP Đà Nẵng đã và đang tiến hành đánh giá lại chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao./.