Văn bản nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là yêu cầu Bộ Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng về Nghị định 09/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trước ngày 16-7.
Như báo Người Lao Động đã đưa tin, 7 tổ chức hội ngành nghề gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những khó khăn trong việc thực thi Nghị định 09/2016 và mong muốn Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại để tháo gỡ vướng mắc.
Nước mắm truyền thống rất khó bổ sung i-ốt
Các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp xoay quanh quy định bắt buộc "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt" và "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm" đã được Chính phủ ghi nhận trong Nghị quyết 19/2018 theo hướng sẽ bãi bỏ những quy định trên, thay vào đó, chỉ khuyến khích doanh nghiệp chế biến sử dụng.
Tuy nhiên, do Bộ Y tế chậm trong việc dự thảo Nghị định sửa đổi nên các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục áp dụng những quy định đang bất cập.
Vào tháng 10-2017, khi những vướng mắc trong quy định về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm phát sinh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh thành trong quá trình thanh kiểm tra chỉ kiểm tra doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng i-ốt. Việc này được xem là gỡ khó cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, việc không bị kiểm tra chỉ tiêu i-ốt chưa tháo gỡ tận gốc vì doanh nghiệp vẫn bị ràng buộc bởi các quy định khác trong quá trình sản xuất, công bố thực phẩm.
Ngoài ra, việc kiểm tra thực phẩm không chỉ do ngành y tế tiến hành mà còn các ngành khác như nông nghiệp, công thương nên doanh nghiệp vẫn có thể bị phạt liên quan đến chỉ tiêu này.