Phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN khi đầu tư 800 tỷ vào Oceanbank sẽ bắt đầu từ ngày 19/3 và dự kiến kéo dài hết ngày 29/3.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến 2011, dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN đã 3 lần góp vốn tổng số tiền là 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Dù được cấp dưới báo cáo tình trạng của Oceanbank khi đó thanh khoản thấp, tiềm lực tài chính kém, có nguy cơ lỗ,…song ông Thăng không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT mà ký thỏa thuận góp vốn luôn.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, PVN nhiều lần thông qua việc góp vốn trước khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khi được Văn phòng chính phủ và Bộ Tài chính "nhắc nhở" yêu cầu rà soát, báo cáo, PVN không thực hiện mà vẫn tiếp tục rót vốn vào Oceanbank.
Góp vốn lần 1: Thỏa thuận rót 400 tỷ cho Oceanbank dù chưa xin ý kiến HĐQT
Vẫn theo cáo trạng, sau khi PVN không được phép thành lập NHTMCP Hồng Việt, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng giám đốc PVN) và Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt) làm việc với một số TCTD để thỏa thuận góp vốn trong đó có Oceanbank.
Ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự đã gửi báo cáo ông Đinh La Thăng trong đó có nêu tình hình của Oceanbank là ngân hàng quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, đang đứng trước khó khăn trong huy động vốn,…Cùng ngày, mặc dù không tổ chức họp HĐQT, không lấy ý kiến thành viên HĐQT nhưng ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm để PVN góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank tương đương 400 tỷ đồng.
Cũng trong văn bản do Nguyễn Ngọc Sự gửi HĐQT ngày 29/9/2008 một lần nữa nêu rõ tính thanh khoản của Oceanbank hiện nay kém, sẽ phát sinh lỗ nếu ngân hàng hạch toán đúng các khoản thu nợ và tiến hành rà soát hoạt động tín dụng, lập dự phòng cho hoạt động đầu tư.
Đến 30/9/2008, trong cuộc họp HĐQT, các thành viên trong HĐQT mới biết việc PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank, trong khi ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn trước đó vào ngày 18/9. Như vậy, ông Đinh La Thăng dù biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận và xin ý kiến HĐQT.
Trên cơ sở thỏa thuận ngày 18/9/2008, ông Đinh La Thăng đã có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn. Mặc dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 1/10, ông Đinh La Thăng vẫn ký Nghị quyết tham gia góp vốn mua cổ phần Oceanbank.
Ngày 14/10/2008, Bộ Tài chính đã có công văn gửi PVN "nhắc nhở" báo cáo rõ tình hình của Oceanbank. PVN có gửi văn bản Oceanbank yêu cầu cung cấp tài liệu, số liệu nhưng Oceanbank không trả lời và Đinh La Thăng cũng không cáo cáo lại Bộ Tài chính. Tháng 12/2008, PVN vẫn rót 400 tỷ cho Oceanbank như thỏa thuận.
Góp vốn lần 2: Thông qua Nghị quyết góp thêm vốn vào Oceanbank trước khi trình Thủ tướng xem xét
Tháng 5/2010, Oceanbank tiếp tục xin tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và PVN sẽ góp vốn bổ sung thêm 300 tỷ để duy trì sở hữu 20% tại Oceanbank. Đề nghị này đã được ông Đinh La Thăng đồng ý.
Dù đã thông qua Nghị quyết tăng vốn góp vào Oceanbank nhưng ngày 6/8/2010, ông Đinh La Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng xem xét chấp thuận cho PVN được mua cổ phần tăng thêm của Oceanbank. Văn phòng Chính phủ sau đó đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu PVN rà soát tình hình, cân đối vốn, đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư thuộc ngành kinh doanh chính (các dự án dầu khí),….nếu khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Đinh La Thăng không chỉ đạo PVN rà soát lại các dự án, danh mục đầu tư, nguồn vốn để báo cáo lại Thủ tướng mà vẫn tiếp tục thực hiện góp vốn, nâng mức vốn góp tại Oceanbank lên 700 tỷ đồng.
Góp vốn lần 3: Rót thêm 100 tỷ vào Oceanbank dù tỷ lệ sở hữu (20%) đã vượt quy định của Luật TCTD 2010
Giữa năm 2011, Hà Văn Thắm lại tiếp tục đề nghị tăng vốn điều lệ ngân hàng vày, và đòi PVN tiếp tục hỗ trợ tăng vốn góp. Số vốn lần PVN góp vào lần này là 100 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tại thời điểm này, luật các TCTD năm 2010 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...".
Phần vốn góp của PVN tại Oceanbank lúc này (20%) đã vượt quá quy định, lẽ ra sẽ thoái vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 15% nhưng ông Đinh La Thăng cùng các lãnh đạo PVN tiếp tục đồng ý bổ sung góp vốn 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nâng tổng vốn góp lên thành 800 tỷ đồng.
Như vậy, PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay đã bị thiệt hại toàn toàn khi NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Cáo trạng nêu rõ, "trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại trên thuộc về Đinh La Thăng và các đồng phạm trong đó Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý vào bảo toàn vốn của PVN."
Ngày 19/3 sẽ diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN khi góp 800 tỷ vào Oceanbank.
7 người liên quan đến vụ án gồm: ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN), Nguyễn Xuân Thắng (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (63 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Vũ Khánh Trường (64 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Phan Đình Đức (58 tuổi, cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Ninh Văn Quỳnh (cựu phó TGĐ PVN) bị truy tố thêm tội Lạm dụng các chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.