1. Sự mất tích bí ẩn
Trong tháng 10 và tháng 11/2018, vụ việc nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị thủ tiêu trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận thế giới.
Khashoggi từng từng làm tổng biên tập của kênh tin tức Al-Arab News. Ông đã bỏ trốn khỏi Saudi Arabia vào tháng 9/2017. Sau đó ông sang định cư ở Mỹ và viết bài cho tờ báo Mỹ Washington Post.
Chân dung nhà báo Saudi Arabia, Jamal Khashoggi. Ảnh: Sky News.
Khashoggi là nhà bất đồng chính kiến, viết nhiều bài chỉ trích chính quyền Saudi Arabia nói chung và Thái tử Mohammed bin Salman nói riêng. Ông phê phán chính sách kiểm soát truyền thông cũng như đường lối của quốc gia này chi phối các quốc gia khác trong khu vực (như can thiệp vào nội chiến Yemen...).
Nhà báo này từng gần gũi với giới chức cấp cao Saudi, nên có thể biết nhiều thông tin dạng “thâm cung bí sử” về Saudi Arabia.
Vào lúc 13h14 ngày 2/10/2018, nhà báo Khashoggi tiến vào bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để lấy một số giấy tờ phục vụ việc tái hôn của ông. Vị hôn thê của ông chờ ở bên ngoài và sau đó không hề thấy ông quay trở lại. Ông đã mất tích từ ngày 2/10 cho tới nay.
Đêm 15/10, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã vào khám xét bên trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul.
Vị Tổng lãnh sự Saudi, Mohammad al-Otaibi, đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trên một chuyến bay thương mại vào hôm 16/10, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vào khám xét nơi ở của ông tại Istanbul.
2. Nghi ngờ án mạng và thủ tiêu xóa sạch dấu vết
Trong những ngày sau khi Khashoggi mất tích, đã có nhiều giả thiết về điều gì đã xảy ra với ông. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông đã bị sát hại trong lãnh sự quán, trong khi giới chức Saudi Arabia tuyên bố ông đã ra khỏi cơ sở ngoại giao này qua một cửa khác. Trong khi đó, tình báo Mỹ tiết lộ các kế hoạch của chính quyền Saudi về việc bắt giữ Khashoggi và đưa ông này trở về nước để giam giữ.
Giữa tháng 10, trả lời phỏng vấn của NBC, cựu Giám đốc CIA John Brennan bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố của Saudi Arabia về vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại. Cũng tầm thời gian đó, hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn một số nguồn tin dự báo, Saudi Arabia có thể rồi sẽ thừa nhận có vụ sát hại nhà báo.
Trong bối cảnh đó, vào cuối tháng 10, một hãng thông tấn Demiroren của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, công tố viên Saudi Arabia đã vào bên trong trụ sở tình báo Thổ lúc nửa đêm để bàn bạc về cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Hãng tin trên cho biết, công tố viên Saud Al Mojeb đã rời khách sạn ngay sau lúc nửa đêm và đi tới văn phòng khu vực tại Istanbul của Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT).
3. Saudi thay đổi “cách kể chuyện”, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức lên tiếng
Trước áp lực gia tăng từ quốc tế, chính quyền Saudi Arabia đã dần thay đổi “câu chuyện” của họ và thừa nhận rằng ông Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul. Tuy nhiên, lúc đầu Saudi Arabia chỉ khẳng định nhà báo trên chết do ẩu đả.
Về sau công tố viên trưởng của Saudi Arabia lại cho biết thêm, Khashoggi thực sự đã chết trong một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước nhưng ông này không cung cấp thêm chi tiết.
Hôm 31/10, một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nhà báo Jamal Khashoggi đã bị làm cho nghẹt thở đến chết rồi bị phân xác trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đây là một vụ tấn công đã được chuẩn bị từ trước. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc nhà báo Khashoggi đã chết như thế nào.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xác nhận Khashoggi bị làm ngạt thở rồi phân xác VOV.VN - Công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ chính thức thông cáo rằng vụ sát hại, phân xác nhà báo Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi là cuộc tấn công được mưu tính từ trước.
Trong một tuyên bố được cung cấp cho báo chí Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 31/10, công tố viên trưởng của Istanbul, Irfan Fidan, mô tả vụ sát hại này là “được mưu tính trước” và gọi các cuộc gặp gần đây với công tố viên Saudi Arabia Mojeb về vụ điều tra là ít có tác dụng.
Một nguồn tin cho hay, ông Mojeb khi đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chăm chăm hỏi về những chuyện như điện thoại di động của Khashoggi mà nhà báo này để lại cho vợ chưa cưới trước khi bước vào lãnh sự quán Saudi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng kết tội công tố viên Saudi Mojeb là có đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại từ chối hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Tổng thống Thổ Erdogan tỏ rõ sự quyết liệt
Ngày 2/11, tờ báo Washington Post của Mỹ đăng tải toàn văn bài viết của đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về vụ án nhà báo Saudi Jamal Khashoggi bị thủ tiêu bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Trong bài viết này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định lệnh thủ tiêu nhà báo Khashoggi xuất phát từ cấp cao nhất của chính quyền Saudi Arabia.
Phần đầu của bài viết như sau: “Trong quá trình một tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi tới chân trời cuối bể để rọi sáng lên mọi khía cạnh của vụ án này. Nhờ vào các nỗ lực của chúng tôi, thế giới được biết rằng Khashoggi đã bị một biệt đội tử thần giết chết theo kiểu máu lạnh, và thế giới giờ cũng biết được rằng vụ sát hại này đã được mưu tính từ trước”.
Trong khi đó, tờ báo Sabah (thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời các quan chức giấu tên cho hay, thi thể nhà báo Khashoggi được nhét vào 5 va ly sau khi bị phân xác.
Theo tờ báo Sabah, các quan chức nói rằng các đối tượng Maher Mutreb, Salah Tubeigy và Thaar al-Harbi là 3 nhân vật chính trong “biệt đội tử thần” gồm 15 thành viên được cho là tham gia vụ phân xác Khashoggi và đưa thi thể nhà báo ra khỏi cơ sở ngoại giao Saudi.
Mutreb là trợ lý trực tiếp của Thái tử Salman, trong khi Tubeigy là người đứng đầu Hội đồng Pháp y Saudi Arabia và là một đại tá trong quân đội nước này.
Bài viết của Sabah xuất hiện vào thời điểm 48 giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố công khai trên báo chí rằng ông tin là lệnh thủ tiêu nhà báo xuất phát từ “các cấp cao nhất” của nhà nước Saudi Arabia.
Cũng vào ngày 2/11, Yasin Aktay – một cố vấn cho Tổng thống Erdogan và bạn của Khashoggi, cho hay biệt đội thủ tiêu nhà báo Khashoggi đã cắt nhỏ thi thể của ông để dễ phi tang.
Aktay nói với tờ báo Hurriyet: “Theo thông tin mới nhất chúng tôi có được, lý do phân xác ông ấy là để dễ tiêu hủy xác của ông... Họ muốn bảo đảm rằng không còn bất cứ dấu vết nào về thi thể của ông”.
Một quan chức cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al Jazeera rằng thi thể của nhà báo đã bị chặt nhỏ và phân hủy bằng axit, mà không cung cấp bằng chứng.
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau đó tung ra tiếp các thông tin động trời về vụ sát hại Khashoggi.
Tiết lộ động trời của Tổng thống Erdogan về vụ thủ tiêu Khashoggi VOV.VN - Vụ nhà báo Khashoggi bị thủ tiêu có thêm diễn biến mới với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erodgan tuyên bố đã trao băng ghi âm vụ án cho Mỹ, Anh, Pháp…
Ngày 10/11, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ đã gửi đoạn băng ghi âm về vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi tới Mỹ và các nước phương Tây khác, trong đó có Anh, Pháp, Đức. Saudi Arabia cũng nhận được băng ghi âm.
Đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thông báo điều nói trên. Đây là lần đầu tiên ông Erdogan thừa nhận công khai về sự tồn tại của đoạn băng ghi âm ghi lại vụ thủ tiêu nhà báo Khashoggi bên trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 10.
Ông Erdogan không tiết lộ chi tiết về nội dung của các đoạn băng nhưng hai nguồn tin biết về vấn đề này đã nói với Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ có vài đoạn băng như vậy, bao gồm đoạn băng về quá trình giết hại nhà báo và các đoạn băng ghi các đoạn hội thoại trước ngày diễn ra chiến dịch ám sát nhà báo. Chính nhờ các đoạn băng này mà Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ giai đoạn đầu đã kết luận được đây là vụ sát hại được mưu tính trước, bất chấp các lời phủ nhận của Saudi Arabia khi ấy.
Một nguồn tin thân cận với các đoạn băng ghi âm cho hay các quan chức nào được nghe các đoạn băng đều kinh hãi vì các nội dung ghi trong đó.
Một nhân vật xuất hiện nhiều trong các đoạn băng là Saud al-Qahtani, một trong các trợ lý hàng đầu của Thái tử Salman.
Tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó còn tung thêm bằng chứng về âm mưu sát hại nhà báo Khashoggi, với các bức ảnh X-quang bộ đồ mổ của nghi phạm.
5. Tác động vào nội tình Saudi Arabia
Vụ sát hại Khashoggi bị vỡ lở đã tác động mạnh vào nội tình Saudi Arabia, đất nước chịu áp lực lớn từ quốc tế về vụ việc này. Saudi Arabia đã bắt giữ 18 nghi phạm liên quan vụ án mạng này. Có thông tin khẳng định Saudi có thể xử tử 5 quan chức liên quan đến vụ việc này.
Tuy nhiên, Saudi Arabia từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ các nghi phạm sát hại nhà báo Khashoggi.
Trước sức ép từ nước ngoài, một bộ phận dân chúng Saudi Arabia ủng hộ Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã tiến hành tẩy chay hãng thương mại điện tử Mỹ Amazon và lên tiếng bảo vệ vị thái tử này.
Còn trong nội bộ Saudi Arabia, dường như đã diễn ra một cuộc đấu ngầm với phần bất lợi nghiêng về phía Thái tử Salman. Có thông tin cho hay, những người bất đồng chính kiến và đối lập với Thái tử Salman đã nhân sự kiện Khashoggi để vận động ngăn ông chính thức bước lên ngai vàng của quốc gia quân chủ chuyên chế này.
6. Phản ứng của các nước khác
Theo New York Times, kể từ khi xảy ra vụ giết người, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày càng tỏ dấu hiệu phát động một chiến dịch toàn diện để gây tổn hại cho Thái tử Saudi Salma, thậm chí có thể là để hạ bệ nhân vật này.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng Washington là trọng tâm chính trong các nỗ lực của Tổng thống Thổ Erdogan, bởi lẽ ông này tin rằng chỉ có Mỹ mới có đủ ảnh hưởng ở Saudi Arabia và khu vực để trừng phạt Thái tử Salman.
Tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Erdogan và Thái tử Salman bắt nguồn từ chủ trương đối ngoại khác nhau: Ông Erdogan ủng hộ phong trào Mùa Xuân Arab, còn Thái tử Salman muốn trấn áp phong trào đó. Ngoài ra, ông Erdogan còn là bạn của nhà báo Khashoggi từ thời nhà báo này viết bình luận về các vấn đề khu vực cho truyền thông Saudi Arabia.
Trước các thông tin hé lộ dần về vụ sát hại Khashoggi, một số nước châu Âu đã hủy các chuyến thăm ngoại giao tới Saudi Arabia vì vấn đề này. Đức thậm chí còn tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Đan Mạch cũng vậy. Canada trừng phạt 17 công dân Saudi liên quan vụ thủ tiêu Khashoggi.
Ngày 14/11, Bộ Tài chính Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 17 quan chức Saudi Arabia được cho là có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được xem là nỗ lực đáp trả cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đối với vụ án mạng.
Nhưng nhìn chung, cách thức phản ứng của Mỹ với Saudi Arabia là khá nhẹ nhàng.
Tờ báo Mỹ Washington Post ngày 16/11 đưa tin Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã kết luận rằng Thái tử Mohamed bin Salman ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Tổng thống Mỹ Trump sau đó lên tiếng xác nhận báo cáo của CIA nhưng ông cũng nói luôn rằng đây chỉ mới là nhận định ban đầu.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã thực hiện một số trừng phạt cấp độ thấp như thu hồi thị thực đối với một số nghi phạm Saudi Arabia trong vụ sát hại Khashoggi, Tổng thống Trump vẫn cho thấy ông không muốn làm xáo trộn quan hệ với Saudi Arabia bằng những việc như hủy các hợp đồng vũ khí trị giá hàng tỷ USD hay rút lại sự hỗ trợ cho Saudi Arabia trong cuộc chiến đẫm máu ở Yemen.
Dù gì Saudi Arabia vẫn là đồng minh lâu năm của Mỹ, là cột trụ quan trọng cho chính sách Mỹ ở Trung Đông. Đấy là chưa kể cá nhân đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và con rể Jared Kushner của ông có mối quan hệ gần gũi với Thái tử Mohammed bin Salman – nhà lãnh đạo trên thực tế của vương quốc Saudi Arabia.
Trong các tuần ban đầu sau vụ án mạng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khá thận trọng trong việc thông tin về vụ Khashoggi. Việc thông tin diễn ra nhỏ giọt, về sau mới quyết liệt hơn sau khi ông Erdogan đã quan sát rõ phản ứng của Mỹ và Saudi Arabia.
Động thái trên của chính trị gia lão luyện Erdogan có thể là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, ông Erdogan lưỡng lự trong việc thừa nhận sở hữu đoạn băng ghi âm vì đoạn băng này có thể đã có được qua con đường… theo dõi tình báo bên trong cơ sở ngoại giao của Saudi Arabia. (Thực tế hoạt động cài rệp nghe lén rất phổ biến trong lĩnh vực tình báo nhưng điều này lại trái với thông lệ ngoại giao.) Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có chung nhiều lợi ích trong khu vực (đồng thời cả hai quốc gia này đều nỗ lực tranh đấu để làm thủ lĩnh của khu vực Trung Đông). Ông Erdogan tung dần các thông tin về vụ Khashoggi có lẽ là để gây sức ép với cả Saudi Arabia và Mỹ theo hướng có lợi nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ở góc độ này, cái chết của nhà báo Khashoggi – bạn thân của ông Erdogan, trở thành lá bài mặc cả trong tay chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế những ngày qua, tình hình đã bắt đầu diễn biến theo hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã ấm dần lên. Ngày 19/12/2018, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria (và điều này đã được Lầu Năm Góc chính thức xác nhận sau đó), tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quân đội tại đây để truy quét nốt IS và theo đuổi các mục tiêu địa chính trị khác...
Trong bối cảnh đó, vụ án mạng Khashoggi có dấu hiệu chìm dần vào quên lãng. Nếu thi thể của ông thực sự bị chia nhỏ và tiêu hủy hoàn toàn bằng axit như một số giả thuyết thì có lẽ sẽ phải rất lâu nữa may ra người ta mới vén được hoàn toàn bức màn bí ẩn quanh vụ án này./.