Tổng cục Hải quan vừa có Thông báo 5344/TB-TCHQ do Phó Tổng cục trưởng Hải quan Lưu Mạnh Tưởng ký, về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Kết quả phân loại cho thấy, đối với gỗ cao su dạng tấm, đã bào, đã chà nhám, kích cỡ (44 x11.00 x 45.00) mm, được ghép ngang từ các thanh đã ghép nối đầu. Tấm chưa được sử dụng, phải qua gia công thêm để làm ván lót sàn, mặt bàn, cầu thang…tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng.
Theo quy trình sản xuất của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ mộc Cát Tường cung cấp bổ sung, tấm gỗ cao su đã được sản xuất hoàn chỉnh qua 14 công đoạn, có thể dụng cho từng mục đích cụ thể.
Tổng cục Hải quan quết định áp dụng mã HS 4418 đối với mặt hàng ván ghép thanh của Công ty Mộc Cát Tường, là “đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xếp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp (shingles and shakes)”…tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết, thông báo này thay thế thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu số 4250/TB-TCHQ, ngày 24/6/2020.
Như vậy, với việc phân loại trên, mặt hàng ván ghép thanh sẽ được áp mức thuế xuất khẩu 0%, thay vì mức 25% như thông báo số 4250/TB-TCHQ nói trên.
Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã kêu cứu lên Bộ NN&PTNT, Tài chính, Công Thương khi hàng ván gỗ ghép thanh bị Hải quan áp thuế từ 0% lên tới 25%, khiến doanh nghiệp đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản. Nhiều lô hàng đang bị ứ tại cảng, bị đối tác nước ngoài phạt do chậm giao hàng.
Nguyên nhân được cho là xuất phát từ Văn bản 4250/TB-TCHQ, do ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Hải quan ký ngày 24/6/2020.
Theo văn bản này, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là “gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm”, thuộc phân nhóm HS 440729.97.90.
Với việc áp mã 4407, gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.
Trong khi đó, thực tế gỗ ghép thanh đã được áp mã HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp - shingles and shakes), nằm trong phân nhóm HS 4418.90.99.
Ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính về vấn đề áp mã HS với ván ghép thanh khi xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc Tổng cục Hải quan áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65 cũng như ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 9365/BTC ngày 1/7/2009.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan không điều chỉnh và mà vẫn áp dụng mã hàng xuất khẩu 44.18 đối với ván ghép thanh và các sản phẩm đồ mộc có sử dụng ván ghép thanh như hiện nay theo đề nghị của Viforest.
Hiện Việt Nam có gần 150 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3 phẩm/năm. Nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là gỗ keo, cao su, bạch đàn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu ván ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9 % tổng giá trị xuất khẩu lâm sản, tăng 16,7 % so với năm 2018. Còn 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này đạt 181,5 triệu USD, chiếm 3,4% giá trị xuất khẩu, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trên thị trường, ván ghép thanh có giá xuất khẩu cao gấp 3-4 lần giá gỗ xẻ (gỗ xẻ giá từ 3,4-3,6 triệu đồng/m3; ván ghép thanh giá từ 10-14 triệu đồng/m3), trong khi để làm ra 1m3 ván ghép thanh cần sử dụng 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ.