Bà Meng Wanzhou bị bắt giữ hôm 1-12 ở Canada theo yêu cầu từ phía Mỹ và đối mặt với cáo buộc gian lận liên quan đến hoạt động kinh doanh với Iran (bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Washington).
Theo hãng tin Tân Hoa xã, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho rằng việc giam giữ bà Meng là hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với quyền và lợi ích của bà như là một công dân Trung Quốc. "Động thái như thế phớt lờ pháp luật, vô lý, không hợp lẽ và hèn hạ" – Tân Hoa xã dẫn lời ông Le.
Nữ giám đốc tài chính Huawei có nguy cơ đối mặt án tù hơn 30 năm nếu bị kết tội. Ảnh: Reuters
Ông Le cũng đã triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để phản đối và kêu gọi Ottawa trả tự do cho bà Meng ngay lập tức hoặc đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Con gái nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei sẽ bị giam giữ ít nhất đến ngày 10-12 trước khi đối mặt phiên tòa quyết định khả năng tại ngoại của bà.
Trong phiên điều trần bị hoãn hôm 7-12, luật sư chính phủ Canada, ông John Gibb-Carsley, đã yêu cầu tòa từ chối cho tại ngoại khi cho rằng bà Meng bị cáo buộc âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính. Theo luật sư này, nếu bị kết án, bà Meng phải đối mặt với án tù hơn 30 năm.
Đáng chú ý, bà Meng bị cáo buộc lừa dối một ngân hàng Mỹ, được luật sư của bà xác định là "Hong Kong Bank", bằng việc sử dụng một công ty con không chính thức để bán hàng cho Iran - hành vi bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Quá trình dẫn độ có thể mất vài tháng, thậm chí nhiều năm nếu kháng cáo được đưa ra. Canada có một hiệp ước dẫn độ lâu năm với Mỹ, theo đó yêu cầu nước này hợp tác với các yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ để trao trả các nghi phạm.
Nghi phạm bị yêu cầu dẫn độ thường bị xem là tội phạm ở Canada và tòa án ở nước này phải quyết định xem liệu có đủ bằng chứng để tiến hành việc dẫn độ hay không.
Một phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland hôm 8-12 nói rằng Ottawa không có bình luận gì thêm về vụ việc sau khi Thủ tướng Justin Trudeau phủ nhận có động cơ chính trị về việc bắt giám đốc tài chính Huawei.