Xuất phát từ mục đích tự kiểm điểm, đồng thời cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm bán socola Valentine cho các bạn muốn thử “dấn thân” không mắc phải sai lầm của nhóm bạn trẻ này.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp về kinh doanh online của Sapo, một sinh viên bán hàng phải thốt lên: "Một vụ buôn bán nhỏ kinh hoàng. Tôi ngập ngụa trong lời xin lỗi cùng áy náy với chính khách hàng. Sản phẩm mà tôi lựa chọn không có gì mới lạ nhưng vẫn luôn 'hot' trong ngày lễ tình nhân này, đó là socola. Mọi thứ bắt đầu suôn sẻ nhưng càng về sau càng lộ rõ những nhược điểm khiến chúng tôi lâm vào cảnh khốn đốn".
Xác định thời gian
Sai lầm đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là chọn ngày bắt đầu kế hoạch quá gấp rút, chỉ đúng 1 tuần trước Valentine. Vấn đề ở đây là chúng tôi chọn kinh doanh socola handmade, cho phép khách hàng đặt socola có hình dạng, chữ viết theo ý họ sau đó mới bắt đầu làm.
Tính từ khâu tư vấn, chốt đơn đến làm socola, đóng hộp, mang đi giao hàng đã mất 2 ngày. Trong khi đó các đơn hàng của chúng tôi đa phần đều ở tỉnh, vùng miền khác, thời gian vận chuyển ít nhất cũng 3 đến 4 ngày. Vậy có nghĩa là chúng tôi chỉ có duy nhất 1 ngày để kiếm khách, chốt đơn, 1 ngày để làm socola và 1 ngày để đóng hộp mà thôi.
Thất bại từ bán hàng online |
Thời gian quá gấp rút, kế hoạch vạch ra bắt đầu loạn hết cả lên dù đã phân chia công việc rõ ràng. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn bị rối, chat với khách thì nhầm từ người này sang người kia, khách đặt socola một kiểu lại ghi chú một kiểu,...
Thế nên lời khuyên là bạn hãy lên kế hoạch trước đó khoảng 1 tháng, bao gồm việc tìm kiếm nguồn hàng, quảng cáo, tư vấn, làm socola rồi vận chuyển.
Không thương lượng kỹ với bên cung cấp nguồn hàng
Bên cung cấp nguồn hàng cho chúng tôi là một bạn làm socola handmade chuyên đổ sỉ, lẻ cho các shop. Vấn đề rắc rối nằm ở việc chúng tôi thương lượng giá và chọn mẫu socola để quảng cáo. Những mẫu hàng tôi đăng lên fanpage được cóp nhặt trên mạng, đẹp long lanh và rất hấp dẫn, khách hỏi mua cực kỳ nhiều.
Tuy nhiên, cậu bạn kia lại không có đủ khuôn socola giống y hệt như thế nên cứ mỗi lần khách đặt hàng tôi lại phải nhắn tin hỏi xem cậu ấy làm giống được bao nhiêu phần trăm. Đến khi chốt đơn thì lại nảy sinh vấn đề khác, viên socola khách đặt phối quá nhiều màu, thời gian làm lâu hơn dự kiến.
Cũng vì quá kỳ công nên bên nguồn hàng muốn nâng giá sỉ cho các đơn sau. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành chấp nhận, như vậy lợi nhuận sẽ bị sụt giảm do không thể nâng giá bán.
Để tránh sai lầm này, tốt nhất các bạn nên tìm nguồn hàng đổ sỉ số lượng lớn socola đã làm sẵn, rồi dùng chính mẫu đó để quảng cáo, vừa tiết kiệm thời gian vừa tránh rắc rối. Ngoài ra hãy chốt giá sỉ ngay từ đầu, ví dụ giá cho 100 viên là bao nhiêu, 200 viên là bao nhiêu, rồi cứ theo đó mà nhập hàng về.
Đóng gói cẩn thận
Socola handmade cho Valentine thường được sắp xếp có chủ đích rồi bỏ vào hộp quà riêng, nếu không cẩn thận rất dễ làm xáo trộn vị trí các viên socola, tệ hơn là rơi vỡ. Vì vậy, bạn cần phải đóng gói thật cẩn thận, nâng đáy để viên socola cao bằng miệng hộp, chèn thêm một lớp bông, túi bọt khí lên trên trước khi đậy nắp.
Nên bỏ hộp socola vào thùng carton, chèn xốp để tránh xô lệch hoặc bọc kín bằng túi bóng. Nếu vận chuyển nội thành, cần lưu ý với ship không được làm rơi, không được lật úp hộp quà. Còn nếu ship hàng đi xa cần chọn gói bảo đảm, ghi chú hàng dễ vỡ.
Chọn đơn vị giao hàng uy tín
Đây mới là nguyên nhân chính khiến chúng tôi lâm vào cảnh khốn đốn trong vụ bán socola ngày Valentine ấy. Chọn một đơn vị giao hàng cũng có tiếng tăm ở Hà Nội, chúng tôi mất khá lâu mới làm xong đơn gửi hàng, chắc mẩm hàng sẽ đến tay khách chậm nhất vào ngày 14/2.
Nhưng đáng sợ thay, ngày 13/2, chúng tôi kiểm tra lại hành trình đơn hàng trên website của họ thì tất cả các đơn vẫn nằm nguyên tại kho Hà Nội. Hốt hoảng nhắn tin rồi gọi lên tổng đài hỏi, thứ mà chúng tôi nhận được chỉ có lời xin lỗi và đảm bảo bâng quơ.
Phải đến khi làm căng thì bên vận chuyển mới gấp rút chuyển hàng đi, nhưng vấn đề là chỉ còn chưa đầy 24 tiếng nữa là đến Valentine rồi, liệu hàng của chúng tôi có tới kịp tay khách?
Đơn trễ nhất họ hẹn là ngày 17/2, đơn sớm nhất cũng là 15/2. Chúng tôi bất lực, thậm chí còn run sợ khi nhắn tin xin lỗi khách hàng. Dù hàng trăm lời xin lỗi gửi đi chúng tôi vẫn không cảm thấy nỗi áy náy giảm bớt, trong khi đó bên giao hàng dường như vẫn “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Bài học xương máu ở đây là hãy chọn một đơn vị giao hàng chuyên nghiệp, kiểm tra hành trình thường xuyên. Nếu cảm thấy có bất kỳ sự chậm trễ, sai phạm nào thì hãy làm lớn chuyện để họ giải quyết ngay cho mình. Tiền bạc không phải vấn đề ở đây, vấn đề là bạn sẽ bị mất uy tín với khách giống như chúng tôi bây giờ vậy.
D.Anh (ghi)